Chiều 15/12, Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-29) với chủ đề ''Vai trò của nghị viện trong việc tăng cường khả năng phục hồi thời kỳ hậu COVID-19'' do Quốc hội Hàn Quốc đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến, đã bế mạc sau 3 ngày làm việc khẩn trương.
Tham dự Hội nghị APPF-29 có 150 đại biểu đến từ 23 nghị viện thành viên, khách mời và quan sát viên. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị và có hai bài phát biểu trực tuyến ghi hình tại hai phiên toàn thể 1 và 2.
Nâng cao khả năng tự cường của khu vực trong thời kỳ hậu COVID-19
Hội nghị APPF lần này khẳng định vai trò ngoại giao nghị viện và sự ủng hộ của các nghị viện đối với chủ nghĩa đa phương; quyết tâm của các nghị viện thành viên APPF hành động mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp cho tương lai phát triển của APPF, hiện thực hóa Tầm nhìn vì tương lai chung của một cộng đồng hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, xây dựng lại một tương lai tốt đẹp hơn sau đại dịch COVID-19.
Những nội dung nghị sự của Hội nghị đều mang tính thời sự cao, thu hút sự tham gia đông đảo các thành viên APPF.
Mở đầu chuỗi hội nghị, phiên thảo luận của APPF-29 là Hội nghị Nữ nghị sỹ với chủ đề "Đạt được bình đẳng giới, cách thức bảo đảm nhạy cảm giới và đáp ứng giới trong đối phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi sau đại dịch."
[Thông qua Thông cáo chung và bầu Quốc hội VN vào Ban Chấp hành APPF]
Tại Hội nghị diễn ra vào chiều 13/12 (theo giờ Việt Nam), các đại biểu đánh giá cao chủ đề của Hội nghị Nữ nghị sỹ. Các đại biểu tập trung phát biểu về việc đạt được bình đẳng giới thông qua tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ; thúc đẩy ứng phó với dịch COVID-19, bảo đảm yếu tố giới và phục hồi sau đại dịch.
Sáng 14/12, Lễ khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương đã diễn ra trọng thể dưới sự điều hành của Chủ tịch APPF-29, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in và nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu Ban Ki-moon đã có các bài phát biểu chào mừng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch APPF-29, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug cho biết, theo dự kiến ban đầu, Quốc hội Hàn Quốc có kế hoạch tổ chức APPF-29 theo hình thức trực tiếp.
Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Hàn Quốc quyết định tổ chức Hội nghị theo hình thức trực tuyến, đặt ưu tiên cao nhất cho sự an toàn và sức khỏe của các đại biểu. Mặc dù không thể họp trực tiếp trong cùng một căn phòng, nhưng các nghị sỹ vẫn có thể trao đổi, thảo luận về các mối quan tâm chung.
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc bày tỏ hy vọng APPF sẽ dẫn đầu trong nỗ lực nhằm đạt được sự phục hồi bền vững, thiết lập trật tự trong thương mại toàn cầu, thúc đẩy kinh tế số và tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách trong phát triển, thúc đẩy bình đẳng giới, ứng phó với khủng hoảng khí hậu...
Ngay sau Phiên khai mạc, Hội nghị đã tiến hành Phiên toàn thể thứ nhất về các vấn đề chính trị-an ninh.
Tại phiên này, các đại biểu cơ bản đánh giá cao nội dung nghị sự của phiên họp, đồng thời ủng hộ việc tăng cường chủ nghĩa đa phương, hợp tác đảm bảo an ninh con người và tập trung thảo luận về các giải pháp thúc đẩy vai trò của nghị viện trong việc tăng cường hợp tác bảo đảm hòa bình, an ninh sau đại dịch COVID-19.
Chiều 14/12, các nghị viện thành viên APPF tiến hành phiên toàn thể thứ hai về các vấn đề kinh tế và thương mại.
Thảo luận tại phiên làm việc, các đại biểu đều ghi nhận tầm quan trọng của việc tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số bao trùm ở châu Á-Thái Bình Dương như một trong những chiến lược quan trọng để khu vực thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19 và cho rằng, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số sẽ giúp khu vực chống chịu tốt hơn với các cú sốc bên ngoài và tự nhiên khi mở rộng kết nối.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã chỉ ra còn nhiều thách thức ở khu vực trong việc thúc đẩy kết nối kỹ thuật số.
Các đại biểu thống nhất rằng, Tuyên bố Hà Nội về "Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương" đặt ra tầm nhìn cho tương lai phát triển APPF đến năm 2030.
Từ đó, đại diện các nghị viện thành viên APPF đều khẳng định quyết tâm tối đa hóa vai trò hoàn thiện các khuôn khổ thể chế quốc gia để hỗ trợ thêm phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, với trọng tâm là chính phủ điện tử, quản lý điện tử các nền tảng thương mại, thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số; tăng cường hợp tác trên thương mại kỹ thuật số; bảo mật dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư và an toàn Internet.
Tiếp tục nội dung làm việc trong khuôn khổ APPF-29, sáng 15/12, các nghị viện thành viên APPF tham gia thảo luận tại phiên toàn thể thứ ba về hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhấn mạnh khu vực và thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, như đại dịch COVID-19 và khủng hoảng về biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, các đại biểu nhận định cần tăng cường hợp tác nghị viện APPF để ứng phó với các vấn đề này, hướng tới phát triển bền vững.
Theo các đại biểu, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới, như mực nước biển dâng cao, hạn hán, lũ lụt và các cơn bão, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh kế của người dân.
Một nửa dân số châu Á-Thái Bình Dương (khoảng 2,4 tỷ người) sống ở các vùng đất trũng ven biển, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương và bất bình đẳng hiện có, nhưng cũng làm nổi bật tầm quan trọng của một xã hội bao trùm, bình đẳng và bền vững. Để tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, vai trò của các nghị viện là vô cùng quan trọng.
Sau gần 3 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, chiều 15/12 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị APPF-29 đã họp phiên toàn thể cuối cùng và phiên bế mạc dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug.
Hội nghị đã thông qua Thông cáo chung thể hiện quyết tâm của các nghị viện thành viên trong củng cố hợp tác nghị viện đa phương cùng đoàn kết, hợp tác phục hồi sau đại dịch.
Tại phiên toàn thể cuối cùng, các nghị viện thành viên APPF đã nhất trí thông qua các thay đổi về Quy chế làm việc của APPF; nghe báo cáo kết quả làm việc của Hội nghị Nữ nghị sỹ và Ủy ban soạn thảo Thông cáo chung và thống nhất thông qua 13 dự thảo nghị quyết, Thông cáo chung với sự đồng thuận cao.
Hội nghị nhất trí đề cử của Ban Chấp hành APPF về việc Quốc hội Việt Nam, cùng với Quốc hội Nhật Bản và Quốc hội New Zealand tham gia Ban Chấp hành APPF mới, trong nhiệm kỳ mới 4 năm, bắt đầu từ APPF-30 đến hết Hội nghị APPF-33.
Cũng tại phiên toàn thể, Hội nghị chào mừng Hội đồng lập pháp Brunei Darussalam chuyển từ vị trí quan sát viên thành thành viên APPF. Quốc hội Hàn Quốc chuyển giao chức Chủ tịch APPF và vai trò chủ nhà APPF-30 dự kiến tổ chức vào năm 2022, cho Quốc hội Thái Lan.
Có thể nói, với một chương trình nghị sự dày đặc với những thảo luận rất mang tính thời sự như bình đẳng giới, ứng phó với đại dịch COVID-19 và chuyển đổi số, song với tinh thần trách nhiệm, sự đồng thuận rất cao của các đoàn đại biểu, Hội nghị APPF-29 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, dù diễn ra dưới hình thức trực tuyến; khẳng định cam kết mạnh mẽ của các nghị viện thành viên trong việc cùng chính phủ, người dân chung tay xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Tiếp tục nâng cao vị thế Quốc hội Việt Nam trong ngoại giao nghị viện
Với tinh thần chủ động, tích cực, thực chất và có trách nhiệm, Đoàn Đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến vào kết quả chung của Hội nghị.
Phát biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam trong các phiên thảo luận của Hội nghị đã mang đến thông điệp và hình ảnh về đất nước Việt Nam đoàn kết, kiên cường trong dịch bệnh, khát vọng vươn lên; tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; phát huy vai trò của ngoại giao nghị viện, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Quốc hội Việt Nam trong ngoại giao nghị viện khu vực; về Quốc hội Việt Nam hành động, đổi mới, chủ động và trách nhiệm, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội về "Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương tới năm 2030" của APPF.
Đặc biệt, theo bà Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bằng hình thức ghi hình trực tuyến tại hai phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị cho thấy tầm nhìn chiến lược, sự cần thiết thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của nghị viện và của APPF trong phục hồi sau COVID-19.
Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định nghị viện đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các giải pháp phục hồi trong và sau đại dịch.
Bà Lê Thu Hà cho biết hai bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội ở ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, nước chủ nhà Hội nghị APPF-29 được nhìn nhận như một phát biểu có tính chất dẫn đề, mang tính bao trùm, không chỉ thể hiện quan điểm của Quốc hội Việt Nam, mà còn đề xuất các giải pháp toàn diện nhằm tăng cường vai trò của nghị viện nói chung và APPF nói riêng.
Những phân tích, nhận định và đề xuất của Chủ tịch Quốc hội mang tính xây dựng, cởi mở, hữu nghị, hợp tác. Về các vấn đề chính trị an ninh, Chủ tịch Quốc hội đã nêu ra những thách thức đối với nền hòa bình và an ninh quốc tế và khu vực, khẳng định chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam và đề ra 6 sáng kiến nhằm tăng cường hành động nghị viện, giám sát thực thi chính sách, nâng cao hợp tác đa phương, ngăn ngừa xung đột, ủng hộ ngoại giao phòng ngừa, xây dựng lòng tin trong quan hệ quốc tế.
Về chủ đề kinh tế, thương mại, phát biểu của Chủ tịch Quốc hội kêu gọi sự ủng hộ và hành động của các nghị viện thành viên APPF trên các chức năng lập pháp, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thể chế quốc gia; giám sát thực hiện, quyết định chính sách mới, và ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau chuyển đổi thể chế, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, công nghệ số và nhiều hoạt động khác.
"Các phát biểu của Chủ tịch Quốc hội đã để lại ấn tượng sâu đậm trong các đại biểu dự Hội nghị," bà Lê Thu Hà chia sẻ.
Cũng theo bà Lê Thu Hà, sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Đoàn Việt Nam được thể hiện trên một số phương diện sau: Trưởng đoàn tham dự là cấp Chủ tịch Quốc hội, phát biểu tại 2 phiên toàn thể quan trọng; Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực và trách nhiệm tại các phiên họp về văn kiện của Hội nghị (kéo dài 9 ngày, thảo luận 13 dự thảo nghị quyết về các lĩnh vực; đóng góp những nội dung thiết thực đối với các nghị quyết của Hội nghị).
Đoàn Việt Nam đã đề xuất hai sáng kiến về "Vai trò của phụ nữ trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và phục hồi sau đại dịch COVID-19" và "Vai trò của nghị viện thúc đẩy kinh tế số". Hai sáng kiến này của Việt Nam đã được Hội nghị đưa vào 4 dự thảo nghị quyết: Nghị quyết về thúc đẩy kinh tế số và tăng cường kết nối; Nghị quyết về tăng cường hội nhập kinh tế và thuận lợi hóa thương mại; Nghị quyết về thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ; Nghị quyết về thúc đẩy ứng phó COVID-19 bảo đảm yếu tố giới và phục hồi sau đại dịch.
Cùng với đó, các đại biểu Việt Nam đã trao đổi, góp ý vào những dự thảo nghị quyết khác với phương châm bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc, hài hòa với lợi ích chung của APPF. Sự tham gia của Đoàn Việt Nam trong thảo luận các văn kiện cũng như phát biểu tại các phiên toàn thể được Hội nghị ghi nhận, đánh giá cao.
Đáng chú ý, tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành APPF đã nhất trí đề cử Quốc hội Việt Nam tham gia Ban Chấp hành APPF trong nhiệm kỳ mới 4 năm, bắt đầu từ APPF-30 đến hết Hội nghị APPF-33. Điều này cho thấy sự tín nhiệm cao của các nghị viện thành viên đối với Quốc hội Việt Nam./.