Ngày 12/12, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban thường vụ Quốc hội) đã tổ chức Hội thảo “Quốc hội với việc định hình cơ chế mới về quản trị nước.”
Hội thảo nhằm chuẩn bị thông tin hỗ trợ Đoàn Quốc hội Việt Nam trong quá trình tham gia đóng góp ý kiến thảo luận và xem xét biểu quyết thông qua Nghị quyết “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước” tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 chuẩn bị tổ chức tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, theo thỏa thuận giữa Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Quốc hội Việt Nam, Đại hội đồng IPU-132 sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ 28/3-1/4/2015.
Trên cơ sở đề xuất của Việt Nam cùng với Butan, một chủ đề quan trọng, liên quan đến vấn đề phát triển bền vững được đưa ra tại phiên họp của Đại hội đồng để nghị viện các quốc gia cùng thảo luận là “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước.”
Dự kiến Đại hội đồng IPU-132 sẽ tiến tới thông qua Nghị quyết về chủ đề này.
Nghị quyết này sẽ là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng thúc đẩy sự hợp tác hành động của Nghị viện các nước trong việc cùng nhau bảo đảm thực hiện Quyền con người về nước và vệ sinh đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua năm 2010.
Việt Nam là quốc gia chủ nhà của Đại hội đồng IPU-132, đồng thời là quốc gia đề xuất chủ đề có nội dung đổi mới, đặc biệt là về khuôn khổ thể chế quản trị nước nhằm góp phần làm thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, thái độ và hành động trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý tham dự Hội thảo sẽ chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết để đi đến sự thống nhất về nhận thức, cùng nhau hành động, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương trong việc bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước ở phạm vi từng quốc gia cũng như quy mô toàn cầu.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là cơ hội để các chuyên gia Việt Nam và quốc tế, các nhà hoạch định chính sách đánh giá về thực trạng khung thể chế, chính sách về quản trị nước, thực trạng công tác quản trị nước ở Việt Nam… để từ đó có sự nhìn nhận tổng quát hơn và chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.
Tại Hội thảo, các đại biểu nghe nhiều tham luận về những vấn đề khác nhau liên quan đến chủ đề Hội thảo như tổng quan về vấn đề nước trong các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững; nội dung Hiệp định sông Mekong, tổng quan tài nguyên nước lưu vực sông Mekong và quan điểm của Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong về vấn đề quản trị nước xuyên quốc gia; kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách quản trị nước, kinh nghiệm tổ chức cơ quan quản trị tài nguyên nước, kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm nguồn nước...
Các đại biểu đã tập trung thảo luận về vai trò của Quốc hội trong việc xây dựng, hoàn thiện khung thể chế, chính sách, pháp luật về quản trị nước, cơ chế giám sát đầu tư phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Các tham luận đã làm rõ các nội dung về thực trạng hệ thống chính sách, pháp luật và tình hình triển khai chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước; những nội dung trọng tâm trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài nguyên nước trong thời gian tới; kiến nghị nhằm tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc hoàn thiện mô hình thể chế, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước.
Các đại biểu cũng đã trao đổi, tham khảo kinh nghiệm tổ chức cơ quan quản trị nước của một số quốc gia, so sánh, phân tích, đánh giá thực tế ở Việt Nam và khả năng tiếp thu kinh nghiệm của các nước về tổ chức cơ quan này…
Các ý kiến tại Hội thảo sẽ là nguồn thông tin quan trọng để các thành viên của Đoàn Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU-132 tham khảo trong quá trình đóng góp ý kiến, thảo luận và chia sẻ, tranh thủ sự đồng thuận của Nghị viện các quốc gia, tiến tới thông qua Nghị quyết về vấn đề quản trị nước tại Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới 132./.