VAMA: Cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ chuyển đổi 'xe xanh’

Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đề xuất ưu đãi về thuế đối với dòng xe thân thiện với môi trường, bao gồm PHEV, HEV nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ dòng xe năng lượng hóa thạch.

Người dân thích thú trải nghiệm các dòng xe điện hóa. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Người dân thích thú trải nghiệm các dòng xe điện hóa. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Sáng 29/8 tại Hà Nội, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo “Giảm phát thải ngành ôtô: Nhiều lối đi - Một đích đến,” đóng góp thêm ý kiến, kiến nghị giúp cơ quan soạn thảo Chiến lược Phát triển các ngành ôtô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có góc nhìn đa chiều về giảm thải carbon từ ngành ôtô.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban truyền thông, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đề xuất mục tiêu chiến lược cần ưu tiên phát triển ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam là tận dụng cơ hội phát triển trong xu thế chuyển đổi xe điện hóa của ngành công nghiệp ôtô thế giới, góp phần vào việc thực hiện cam kết của Việt nam tại COP26 - Phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Trong các đề xuất cụ thể, ông Quyết nêu kiến nghị liên quan tới việc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt.

z5778703509863_305f65b00e55f7feb4a3d84eb654ca91.jpg
Ông Đào Công Quyết cho rằng cần có thêm những ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe xanh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý cân nhắc sửa đổi ưu đãi với dòng xe thân thiện môi trường bao gồm HEV (xe Hybrid tự sạc) và PHEV (xe Hybrid sạc điện ngoài); giữ mức thuế hiện tại đối với xe pickup chở hàng cabin kép nhằm duy trì và tạo nguồn lực trong quá trình chuyển đổi. Hiện nay, VAMA và Công ty Kiểm toán KPMG đang triển khai nghiên cứu đánh giá đầy đủ tác động về việc này,” đại diện VAMA cho hay.

vama.png
Đề xuất của VAMA nhằm hỗ trợ xe điện hóa tại Việt Nam.

Hiện tại, xe HEV đang chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt ngang bằng so với xe nhiên liệu hóa thạch (từ 35-150% tùy dung tích), còn xe PHEV chịu mức thuế bằng 70%. Đề xuất của VAMA là giảm mức thuế của 2 dòng xe này xuống còn 70% và 50% so với xe chạy xăng, dầu.

Đánh giá tác động về khía cạnh kinh tế, theo tính toán của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam cần khoảng 368.000 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040 để có thể thực hiện hiện mục tiêu “Net zero.” Còn theo tính toán của HSBC, cần khoảng 12-13 tỷ USD để có thể xây dựng hệ thống hạ tầng trạm sạc cho Việt Nam. Việc giảm nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng thu thuế theo số liệu của 2023.

Theo ông Quyết, việc giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cho HEV/PHEV phù hợp với xu hướng ngành ôtô và lộ trình chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong (ICE) sang xe thuần điện (BEV). Điều này phù hợp với chuyển đổi năng lượng xanh theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và COP28. Ưu đãi cho HEV/ PHEV tuy có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn, nhưng mang lại các lợi ích khác về kinh tế, môi trường, ngành và xã hội tương đương.

Ngoài đề xuất về thuế tiêu thụ đặc biệt, đại diện VAMA cũng cho biết Chính phủ cần có chính sách để tăng dung lượng thị trường; chính sách ưu đãi để kích cầu tiêu dùng; lộ trình và giải pháp, chính sách (thuế phí, ưu đãi đầu tư) phát triển trạm sạc.

Bên cạnh đó, các đơn vị nên tham vấn các hiệp hội doanh nghiệp để có mục tiêu và lộ trình áp dụng quy định chuyển đổi, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu phát triển ngành và mục tiêu giảm phát thải./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục