Vận động lao động Việt tại Hàn Quốc về nước đúng hạn

Các địa phương cần vận động, tuyên truyền về nước đúng hạn tới từng gia đình có thân nhân đang lao động tại Hàn Quốc.

Các địa phương cần sớm ban hành chỉ thị về việc triển khai kế hoạch vận động, tuyên truyền về nước đúng hạn tới từng gia đình có thân nhân đang lao động tại Hàn Quốc.

Biện pháp được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về nước năm 2014 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/2.

Theo ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, công tác vận động người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn rất quan trọng. Việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như truyền hình, truyền thanh tại thôn xã, lập tổ tư vấn...

Các hình thức tuyên truyền này cần phải thực hiện liên tục hàng tháng, có cơ chế giám sát, báo cáo kết quả cụ thể hàng quý. Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện tăng cường công tác vận động, tuyên truyền một cách quyết liệt, thường xuyên, thiết thực, nâng cao hiệu quả, qua đó tỷ lệ người lao động hết hạn hợp đồng không về nước ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ở cả nước nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng sẽ giảm như kế hoạch của Bộ đề ra.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các địa phương nghiêm túc thực hiện Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngay sau ngày 10/3/2014. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì đây là một trong những biện pháp quan trọng trong năm 2014 để giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động nước ngoài, tại Khoản 2 Điều 35 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng đối với hành vi ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; nhập cảnh nhưng không đến nơi làm việc theo hợp đồng.

Ông Minh cũng cho biết Văn phòng EPS tại Hàn Quốc sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng Hàn Quốc, đề nghị các cơ quan này cung cấp danh sách những người lao động đang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc để có căn cứ thực hiện các biện pháp xử phạt.

Trước đó, nhân sự kiện Festival về nói tiếng Hàn, sự kiện chào đón Năm mới 2014 do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc tổ chức, Văn phòng EPS đã kết hợp thông tin, tuyên truyền qua việc phát tờ rơi tới người lao động Việt Nam tham dự.

Theo Trung tâm lao động nước ngoài, từ cuối năm 2010 đến nay phát sinh tình trạng tỷ lệ người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng lao động nhưng không về nước luôn ở mức trung bình là gần 50%, có thời điểm lên đến 57%. Việc người lao động không về nước đúng hạn là vi phạm pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc, vì vậy các cơ quan chức năng của Hàn Quốc đã dừng và hạn chế việc tiếp nhận lao động từ Việt Nam.

Trong năm 2014 có 3.594 người lao động hết hạn hợp đồng lao động phải về nước, nhiều nhất là Hà Nội (322 người) và Thanh Hóa (336 người). Các tỉnh khu vực phía Nam có nhiều lao động phải về nước gồm Thành phố Hồ Chí Minh (84 lao động), Tây Ninh (58 lao động), Bạc Liêu (54 lao động).../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục