Vận động viên Phạm Thị Huệ: Máu có thể thiếu, nhưng "máu lửa" thì không!

Trải qua bao buồn vui thăng trầm trong sự nghiệp thể thao, tay chèo Phạm Thị Huệ học cách tự tìm niềm vui từ những điều giản đơn, những khoảnh khắc bình dị trong cuộc sống.

Giành vé tham dự Olympic ở tuổi 34 sau hai lần lỡ hẹn, "tay chèo" Phạm Thị Huệ (đua thuyền Rowing) trở thành tấm gương truyền cảm hứng cho các vận động viên trẻ. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Giành vé tham dự Olympic ở tuổi 34 sau hai lần lỡ hẹn, "tay chèo" Phạm Thị Huệ (đua thuyền Rowing) trở thành tấm gương truyền cảm hứng cho các vận động viên trẻ. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

So với chị em ở những ngành nghề khác, những nữ vận động viên thường phải chịu nhiều thiệt thòi hơn, chấp nhận đánh đổi những niềm vui của bản thân, gia đình... để hướng tới thành tích chung trong thi đấu thể thao.

Tuy nhiên với chị Phạm Thị Huệ - "tay đua vàng" của bộ môn đua thuyền Rowing Việt Nam - thể thao cũng mang đến những niềm vui đặc biệt đồng thời tôn vinh những giá trị của Phụ nữ Việt Nam, những người chấp nhận hy sinh để theo đuổi hoài bão.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus thực hiện cuộc phỏng vấn vận động viên Phạm Thị Huệ về những thăng trầm trong sự nghiệp thi đấu của "tay chèo" quê Quảng Bình.

Sau hai lần nhường vinh dự cho đồng đội dù đạt chuẩn Olympic (lần lượt ở các năm 2016 và 2020), Phạm Thị Huệ cuối cùng đã có lần đầu tiên được tham gia tranh tài tại Thế vận hội Olympic Paris 2024 vào tháng Bảy vừa qua. Vậy cảm xúc của chị trong lần trải nghiệm đầu tiên tại đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh như thế nào?

- Cảm giác giành được "tấm vé vàng" tham dự Olympic sau nhiều lần lỡ hẹn thực sự rất hạnh phúc. Đường đến Thế vận hội với cá nhân mình là một hành trình dài, và tấm vé đến Paris 2024 như một giấc mơ trở thành hiện thực, một sự đền đáp xứng đáng cho những cố gắng, quyết tâm của mình trong suốt một khoảng thời gian dài trước đó.

Dù đã từng tham dự nhiều giải đấu lớn như ASIAD và SEA Games nhưng phải đến khi góp mặt tại đấu trường Olympic, mình mới cảm nhận được hết sự khác biệt về quy mô và tầm vóc to lớn của Thế vận hội: từ chất lượng cơ sở vật chất của nước chủ nhà đến trình độ của các vận động viên tham gia thi đấu. Olympic xứng đáng là đấu trường mà bản thân mình cũng như tất cả những vận động viên khác đều khao khát được tham gia tranh tài.

vna_potal_olympic_2024_pham_thi_hue_lo_ve_du_ban_ket_rowing_7511418.jpeg
Phạm Thị Huệ vào đến tứ kết nội dung thuyền đơn nữ hạng nặng môn Rowing tại Olympic Paris 2024. (Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)

Chị đã giành rất nhiều huy chương ở những giải đấu lớn như ASIAD và SEA Games. Vậy với chị, đâu là giải đấu để lại nhiều kỷ niệm nhất?

- Những giải đấu lớn mà mình đã từng tham gia đều để lại cho mình những bài học và kỷ niệm quý giá, bởi từng giải đấu đều mang những đặc trưng, đặc thù riêng. Với bản thân mình, điều mình trân trọng nhất trong sự nghiệp thi đấu là những khoảnh khắc kề vai sát cánh với những người đồng đội, cùng san sẻ những cay đắng ngọt bùi trên "đường đua xanh."

Cơ duyên nào đưa chị đến với Rowing - môn thể thao có những yêu cầu khắt khe về thể chất?

- Thời gian còn học cấp phổ thông, mình thường xuyên góp mặt trong đội dự thi Hội khỏe Phù Đổng các cấp ở trường. Đây cũng là sân chơi mở ra cho mình cơ hội được giới thiệu, tuyển chọn vào đội tuyển đua thuyền, tập luyện và thi đấu môn Rowing.

Quả thực thì Rowing là một môn thể thao có yêu cầu rất cao về thể lực, đòi hỏi vận động viên phải có sự bền bỉ, khả năng "chịu nắng, chịu gió." Tuy nhiên, bản thân mình xuất thân là con nhà nông, từ bé đã thường xuyên phụ giúp bố mẹ làm những công việc đồng áng, nên mình cũng không cảm thấy vất vả khi tham gia tập luyện và thi đấu bộ môn này - vốn còn được tạo môi trường sinh hoạt, ăn tập với những điều kiện tốt hơn.

Gia đình và người thân của chị đã phản ứng như thế nào về quyết định theo sự nghiệp thể thao của chị?

- Mình luôn cảm thấy may mắn khi có gia đình là "hậu phương" vững chắc trong sự nghiệp. Khi bắt đầu theo đuổi bộ môn này, bố mẹ và anh chị em luôn cổ vũ, động viên để mình yên tâm tập luyện, cống hiến. Đến khi lập gia đình nhỏ, mình cũng nhận được sự hậu thuẫn từ bố mẹ chồng. Ông bà luôn sát sao, quan tâm hỗ trợ cho "nàng dâu" trong những ngày hội quân, tham gia thi đấu xa nhà.

Đặc biệt, mình còn có "điểm tựa" vững chắc là một anh chồng "trên cả tuyệt vời" (cười). Anh luôn là người bạn đồng hành với mình trong mọi khoảnh khắc, cùng mình đi qua những quãng thời gian vất vả, sẻ chia những thăng-trầm trong thi đấu.

338185096_6279155302148459_4746835203379515091_n.jpg
Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc để tay chèo quê Quảng Bình tự tin chinh phục những đỉnh cao trên "đường đua xanh." (Ảnh: FBNV)

Có vẻ như nội dung thi đấu Rowing của chị vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm như những môn thể thao khác?

Thực ra đây cũng là một điều dễ hiểu bởi tại Việt Nam, Rowing là bộ môn du nhập tương đối muộn so với những môn thể thao khác (phải đến năm 2003, Rowing Việt Nam mới có lần đầu tiên xuất hiện ở một giải đấu quốc tế là SEA Games 22).

Thời điểm mình bắt đầu sự nghiệp, Việt Nam là một "vùng trắng" về Rowing, rất ít người biết đến bộ môn này nên các vận động viên cũng nhận được ít sự quan tâm hơn, điều này khiến mình cũng có đôi chút "chạnh lòng."

Tuy nhiên theo thời gian, bản thân mình cũng như những vận động viên đại diện cho Rowing Việt Nam đều từng bước cố gắng, đưa hình ảnh của môn thể thao này lan tỏa hơn trong cộng đồng, thông qua các giải đấu từ cấp địa phương đến đấu trường châu lục.

Đến thời điểm hiện tại, Rowing Việt Nam cũng đã gặt hái những thành tích đáng kể ở các giải đấu lớn như ASIAD và SEA Games. Đó là cơ sở để mình hy vọng những thế hệ vận động viên kế cận sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa từ cộng đồng.

Có ý kiến cho rằng khi theo đuổi thể thao chuyên nghiệp, chị em phụ nữ phải chịu nhiều khó khăn, vất vả, thiệt thòi, đòi hỏi sự hy sinh hơn nhiều so với nam giới. Từ những trải nghiệm của bản thân, chị đánh giá thế nào về quan điểm này?

- Đối với mình, thiệt thòi hay không còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người. Nếu mình xác định con đường đã chọn là niềm đam mê của mình, mình được cống hiến và tận hưởng từng khoảnh khắc với quyết định của mình thì dù là nam giới hay nữ giới cũng sẽ đều không cảm thấy thiệt thòi. Những sân chơi mở ra cơ hội thể hiện cho cả nam và nữ cũng chứng minh rằng, phụ nữ cũng có thể làm được và làm tốt những công việc từng "mặc định" dành cho phái mạnh.

Chị có lời khuyên nào dành đến những vận động viên trẻ, đặc biệt là các vận động viên nữ mong muốn theo đuổi giấc mơ thể thao chuyên nghiệp?

- Hãy tập luyện và nỗ lực không ngừng nghỉ, dù sớm hay muộn thì "quả ngọt" chắc chắn sẽ đến!

vna_potal_dua_thuyen_sea_games_31_viet_nam_doat_hvc_noi_dung_4_nu_hang_nang_cheo_doi_6099988.jpg
Tay đua quê Quảng Bình trân trọng từng khoảnh khắc sát cánh với các đồng đội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngoài thời gian luyện tập và thi đấu, chị thường làm gì vào những lúc rảnh rỗi?

- Thực tế thì thể thao luôn chiếm phần lớn quỹ thời gian của mình nên mình cũng không có quá nhiều hoạt động đặc biệt vào những lúc rảnh rỗi. Tập luyện mệt thì chỉ muốn về nhà nghỉ ngơi, rồi cùng chồng lo cơm nước, có dịp "ngày rộng tháng dài" thì đưa các con đi chơi...

Hai bé nhà mình thì đều rất tự hào về những thành tích thi đấu của bố mẹ. Tuy nhiên từ bé đến lớn đã chứng kiến quá trình luyện tập vất vả của phụ huynh nên các bạn đều không muốn "nối nghiệp" thể thao (cười).

Cũng như rất nhiều chị em thì mình là một "tín đồ của shopping": mệt cũng mua sắm, khỏe cũng mua sắm, mà buồn vui mình cũng đều mua sắm, chừng nào khả năng kinh tế còn cho phép là mình còn "đi chợ" (cười lớn).

Đã từng thi đấu ở nhiều giải đấu quốc tế, vậy đâu là quốc gia để lại nhiều ấn tượng nhất với chị?

- Với mình thì không đâu bằng quê nhà Việt Nam. Mình vẫn luôn dâng trào những cảm xúc mãnh liệt và có ấn tượng sâu sắc với những nét văn hóa, nét truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

Chị có thể chia sẻ về hình mẫu thần tượng của mình trong thể thao không?

- Bản thân mình không có khái niệm thần tượng, bởi với mình mỗi một hình mẫu, mỗi một tấm gương đều có những thế mạnh riêng và mang đến những bài học riêng. Mình có thể học hỏi những điểm mạnh ở từng trường hợp, từng thời điểm để phấn đấu, còn hình mẫu cụ thể thì mình không lưu tâm một nhân vật nào cả.

Một câu nói yêu thích của chị?

- Máu có thể thiếu, nhưng "máu lửa" thì không - Sức khỏe có thể kém, nhưng "sức chiến đấu" phải cao!

Màu sắc yêu thích của chị?

- Màu đỏ.

Nếu không theo đuổi thể thao chuyên nghiệp, đâu sẽ là công việc mơ ước của chị?

- Ngay từ nhỏ mình đã có ước mơ trở thành một vận động viên chuyên nghiệp, nên mình cũng chưa từng nghĩ đến những "ngã rẽ" khác. Trước đây cũng có thời gian mình tập tành buôn bán "cho vui", tuy nhiên sau đó cảm thấy không có duyên và không hợp nên mình cũng dừng. Thời gian rảnh hiện tại mình thường dành để nghỉ ngơi hồi sức, "nạp" năng lượng, đảm bảo sự ưu tiên hàng đầu cho công việc tập luyện và thi đấu.

Xin cảm ơn chị Phạm Thị Huệ về những chia sẻ thú vị! Xin chúc chị sẽ đón một dịp kỷ niệm 20/10 tràn đầy niềm vui và hạnh phúc bên gia đình và người thân! Chúc chị sẽ luôn giữ được nguồn năng lượng tích cực để truyền cảm hứng cho thế hệ những vận động viên trẻ!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục