Vì sao doanh nghiệp khó đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về hai vấn đề nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và công nghiệp phụ trợ.
Vì sao doanh nghiệp khó đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ? ảnh 1Sản xuất linh kiện điện tử kỹ thuật cao. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa ký văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về hai vấn đề nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và công nghiệp phụ trợ.

Tại kỳ họp thứ 7, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) chất vấn: "Chúng ta đã ký Hiệp định CPTPP và đã có hiệu lực, chương trình hành động của Chính phủ có nhiều, tuy nhiên, xin Phó Thủ tướng cho biết hai vấn đề về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và công nghiệp phụ trợ."

Trả lời chất vấn trên, Phó Thủ tướng cho biết hiện nay, Việt Nam đã ký kết 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm FTA nội khối giữa 10 nước ASEAN; 6 FTA Việt Nam cùng ASEAN ký kết với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand; 4 FTA song phương với Nhật Bản, Chile, Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á-Âu; gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Tuy nhiên, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA của Việt Nam không cao. Một trong những nguyên nhân là do khả năng đáp ứng các yêu cầu liên quan đến vấn đề quy tắc xuất xứ. Trong CPTPP, các quy định về quy tắc xuất xứ được đánh giá là chặt chẽ, tuy nhiên cũng linh hoạt với quy tắc cộng gộp hay nguồn cung thiếu hụt.

[CPTPP chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của doanh nghiệp]

Với tinh thần khẩn trương xây dựng văn bản nội luật hóa nhằm thực hiện các cam kết tại Hiệp định CPTPP, ngày 22/1/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện Thông tư về quy tắc xuất xứ trong CPTPP, các buổi tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, cho các tổ chức được ủy quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), các doanh nghiệp quan tâm đã được tổ chức thường xuyên.

Trong quá trình ban hành, Thông tư đã được lấy ý kiến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức liên quan, tạo môi trường để doanh nghiệp cũng như các tổ chức cấp C/O có quy định cụ thể và minh bạch về xuất xứ trong CPTPP.

Trong quá trình thực thi, đầu mối của Việt Nam là Bộ Công Thương cũng đã chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu trong trường hợp có yêu cầu xác minh xuất xứ nhằm tránh trường hợp giả mạo xuất xứ, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp để C/O được chấp nhận. Ngoài ra, đầu mối xử lý và trả lời vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực thi Thông tư đã được thiết lập.

Một nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp Việt Nam khó đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong các FTA nói chung và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP nói riêng là do ngành công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển.

Điển hình với ngành dệt may, quy định xuất xứ từ sợi trong CPTPP được xem là một thách thức lớn. Trong khi đó, nguyên nhân khiến ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam khó phát triển là do thiếu nguồn tài chính và công nghệ tiên tiến...

Với CPTPP, Việt Nam kỳ vọng vào sự gia tăng đầu tư từ các nước thành viên CPTPP, cùng với đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại, phục vụ sản xuất.

Trong thời gian tới, điều quan trọng là Việt Nam phải xác định các ngành công nghiệp phụ trợ cần tập trung vốn đầu tư, tận dụng lợi ích mà CPTPP để xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, cam kết chuyển giao công nghệ để thực sự có lợi cho doanh nghiệp trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục