Ban tổ chức Olympic Paris 2024 ngày 28/7 đã gửi lời xin lỗi tới những người theo Thiên Chúa giáo sau cáo buộc một màn trình diễn tại Lễ Khai mạc Thế vận hội dường như nhại lại bức tranh "Bữa tối cuối cùng" của Leonardo da Vinci.
Theo Reuters, phân đoạn này được cho là giống với cảnh trong Kinh thánh về bữa tiệc của Chúa Jesus và các vị tông đồ. Điều đáng nói là màn trình diễn các có sự góp mặt của các drag-queen (người nam giả nữ), một người mẫu chuyển giới và một ca sĩ gần như khỏa thân hóa trang thành vị thần rượu vang Dionysus của Hy Lạp.
Reuters cho biết, màn trình diễn đã khiến Giáo hội Công giáo và những người theo tôn giáo cánh hữu ở Mỹ vô cùng thất vọng.
Trong buổi họp báo tổ chức một ngày sau Lễ Khai mạc, người phát ngôn của Olympic Paris 2024 Anne Descamps nói họ "không bao giờ có ý định thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với bất kỳ nhóm tôn giáo nào. Lễ Khai mạc đã cố gắng tôn vinh sự khoan dung của cộng đồng."
"Chúng tôi tin rằng tham vọng này đã đạt được. Nếu mọi người cảm thấy bị xúc phạm, chúng tôi thực sự xin lỗi."
Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho biết họ đã ghi nhận lời giải thích của Ban tổ chức Olympic Paris 2024.
Thomas Jolly, giám đốc nghệ thuật đứng sau Lễ Khai mạc xa hoa, cho biết cảnh này không lấy cảm hứng từ bức tranh "Bữa tiệc ly" và mô tả một bữa tiệc ngoại giáo liên quan đến các vị thần trên đỉnh Olympus trong thần thoại Hy Lạp, nơi khởi phát của phong trào Olympic hiện đại.
"Chúng tôi muốn nói về sự đa dạng. Sự đa dạng có nghĩa là được ở bên nhau. Chúng tôi muốn bao gồm tất cả mọi người, đơn giản như vậy," Jolly nói với kênh BFMTV.
Những người ủng hộ bức tranh ca ngợi thông điệp về tính bao hàm và khoan dung của nó.
Tuy nhiên, nhà thờ Công giáo ở Pháp cho biết họ lên án "một buổi lễ bao gồm các cảnh chế giễu và nhạo báng Kitô giáo."
Tổng giám mục Charles Scicluna, viên chức Công giáo cấp cao nhất ở Malta và là viên chức của văn phòng giáo lý của Vatican, cho biết ông đã liên lạc với đại sứ Pháp tại Malta để phàn nàn về"sự xúc phạm vô cớ."
Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 không diễn ra trong sân vận động như phần lớn các sự kiện thể thao lớn khác, mà diễn ra dọc sông Sein cùng nhiều địa điểm mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp như Tháp Eiffel. Buổi lễ gồm 3 chương, trong đó có cả phần tái hiện tác phẩm "Những người khốn khổ" của văn hào Victor Hugo.
Buổi lễ cũng đánh dấu sự tái xuất của danh ca Celine Dion./.
Khám phá "nơi lan tỏa thông tin" Thế vận hội Olympic Paris 2024
Tọa lạc trên quảng trường Carreau du Temple, Trung tâm Truyền thông Paris được bố trí một cách linh hoạt và hiện đại nhằm phục vụ giới báo chí đưa tin về Olympic Paris và Paralympic Paris 2024.