Thời gian vừa qua, tình hình chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn đang có những diễn biến “xấu,” nhất là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo số liệu quan trắc chính thức của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các địa phương, mức độ ô nhiễm tập trung vào nhiều thời kỳ, trong từng giai đoạn.
Đáng chú ý, có những thời điểm chỉ số ô nhiễm không khí vượt ngưỡng, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.
Về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thứ nhất đó là phương tiện giao thông tăng cao, xả ra các chất ô nhiễm rất lớn.
Tiếp đó là hoạt động từ các công trình đang xây dựng, các nhà máy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đốt rơm rạ, đốt than tổ ong, đốt rác thải nguy hại…
Ngoài ra, các hoạt động trong khai khoáng, sản xuất như nổ mìn khai thác đá, nghiền xay đá cũng gây phát thải nguồn ô nhiễm bụi mịn rất lớn.
[Hà Nội vẫn là đô thị có mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 cao nhất]
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, em T, một cậu bé 14 tuổi sinh sống ở gần Nhà máy xi măng Tuyên Quang, thành phố Tuyên Quang cho biết “em rất muốn các nhà lãnh đạo quan tâm đến nhà máy xi măng này” vì lý do hết sức đáng lo ngại là “tuổi thơ của chúng em luôn phải sống trong khói bụi, ô nhiễm.”
Cậu bé còn tuổi ăn tuổi lớn này cũng kiến nghị chính quyền địa phương quan tâm tới vấn đề môi trường, cũng như kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm xuống bằng việc giảm hoạt động xả thải của nhà máy; xe tải qua lại ít hơn để đỡ khỏi khói bụi!
Trước thực tế chất lượng không khí tại các đô thị đang có những diễn biến xấu, mới đây, ngày 23/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn về dự án xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí tại Việt Nam.
Cuộc họp trực tuyến này nhằm tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo cũng như xây dựng mạng lưới quan trắc không khí hiện đại và đồng bộ.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc xây dựng mạng lưới trạm quan trắc tự động hiện đại, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương sẽ xác định chính xác nguồn ô nhiễm, khả năng phát tán ô nhiễm. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong giám sát môi trường.
Ngoài ra, thông qua giám sát hiệu quả nguồn ô nhiễm có thể cung cấp thông tin cho việc quyết định phương án kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm không khí.
Đối với từng địa phương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị cần tính toán chi tiết, cụ thể hơn về các yếu tố có thể gây ra ô nhiễm không khí và đánh giá được vùng bị tác động ô nhiễm, khu vực có mật độ dân cư tập trung, để đặt các trạm quan trắc.
Từ đó có trách nhiệm cung cấp liên tục các số liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe để người dân có thể giám sát được những thay đổi về môi trường không khí và đưa ra các khuyến cáo cần thiết.
Về lâu dài, vị tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố khi đầu tư, lắp đặt trạm quan trắc tự động cần lựa chọn thiết bị công nghệ đảm bảo hiện đại, đồng bộ, tương thích với hệ thống trạm quan trắc quốc gia tự động./.