Việt Nam đang nổi lên trong số các "con hổ châu Á"

Báo Độc lập có bài ca ngợi thành tích Việt Nam và nêu rõ Việt Nam đang nổi lên trong số những "Con Hổ châu Á” của thế kỷ XXI.
Báo Độc lập của Nga ngày 13/12 đã đăng bài ca ngợi thành tích mọi mặt của Việt Nam của nhà báo kỳ cựu Boris Vinogradov.

Bài viết kèm theo bức ảnh Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Dmitry Medvedev chứng kiến lễ ký hiệp định hợp tác về xây dựng nhà máy điện nguyên tử, trong chuyến thăm Việt Nam mới đây của người đứng đầu Nhà nước Liên bang Nga, cùng ảnh chụp những ngôi nhà chọc trời tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Bài báo nêu rõ thủ đô Hà Nội của Việt Nam vừa kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm thành lập mảnh đất "Rồng bay" (Thăng Long) và Việt Nam đang nổi lên trong số những "Con Hổ châu Á” của thế kỷ XXI.

Như hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vừa họp tại Yokohama (Nhật Bản) đánh giá, Việt Nam hiện là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, Việt Nam hiện có tên trong tốp 10 nước phát triển năng động nhất của thế giới. Nhiều năm nay, Việt Nam luôn đạt mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 7-8% và chỉ xếp sau Trung Quốc. Từ một nước thiếu lương thực và đứng trước nguy cơ thiếu đói, Việt Nam đã giải quyết thành công vấn đề lương thực-thực phẩm và vươn lên xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo (6,5 triệu tấn).

Việt Nam cũng là nước giữ được mức lạm phát thấp nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong những năm qua (dưới 4%). Thu nhập quốc dân tính theo đầu người của Việt Nam đã tăng từ mức 128 USD lên 1.000 USD/năm. Đầu tư nước ngoài đã đạt mức 60 tỷ USD cho dù có giảm chút ít trong thời kỳ khủng hoảng vừa qua.

Nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, đang chuyển hướng sản xuất trên cơ sở tính đến nguồn nhân công rẻ của Việt Nam.

Các ngành kinh tế có tốc độ phát triển mạnh của Việt Nam gồm khai thác và chế biến dầu mỏ, chế tạo máy, điện tử và công nghệ thông tin. Về công nghệ thông tin, Việt Nam đạt mức tăng 16%/năm và hiện xếp thứ năm thế giới sau Trung Quốc, Argentina, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2010, Đài Loan (Trung Quốc) đã chi 12 tỷ USD để chuyển các dây chuyền sản xuất máy tính sang Việt Nam.

Bài báo còn viết: Những ai không đến Hà Nội trong nhiều năm qua thì khó lòng tưởng tượng quy mô những thay đổi diễn ra tại thủ đô và trong toàn nước Việt Nam. Du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn rất phát triển của Việt Nam. Trong vòng một năm, khoảng 5,5 triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam du ngoạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục