Theo lịch trình, ngày 10/9, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph R. Biden, Jr. bắt đầu thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là lần đầu tiên, cả Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ cùng thăm Việt Nam trong một nhiệm kỳ.
Chuyến thăm lần này của Tổng thống Joe Biden đánh dấu một thập kỷ hai nước xác lập và triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện (2013-2023), là sự tiếp nối của các chuyến thăm Việt Nam của những người đứng đầu Nhà Trắng, Tổng thống Bill Clinton (năm 2000), Tổng thống George Bush (năm 2006), Tổng thống Obama (năm 2016) và Tổng thống Donald Trump (năm 2017), trong gần 30 năm qua.
Thời gian qua, quan hệ hai nước không ngừng được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước; hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai; phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Nói về sự tiến triển trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, ông Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống đã "lẩy" hai câu trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du tại tiệc chiêu đãi chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Hoa Kỳ (tháng 7/2015): "Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời."
[Tổng thống Hoa Kỳ sẽ đến Hà Nội, thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam]
Nhìn lại lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không thể không nhắc tới bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman vào ngày 18/1/1946. Trong bức thư đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định các nguyên tắc của quan hệ song phương, đó là bình đẳng và quyền tự quyết - nguyên tắc được xác lập trong các Hiến chương Đại Tây Dương và San Francisco.
Những nguyên tắc này luôn được Việt Nam và Hoa Kỳ tôn trọng kể từ khi bình thường hóa quan hệ, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Nhiều nhà lãnh đạo, chuyên gia về quan hệ quốc tế sử dụng cụm từ "vượt bậc" và "hết sức ấn tượng" để nói về những bước tiến trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Nhận định về gần 30 năm quan hệ song phương giữa hai nước, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhấn mạnh tầm quan trọng của 10 năm Đối tác Toàn diện, khẳng định: "Đây là thời kỳ mà có lẽ quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ có những phát triển mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc nhất."
Nổi bật là quan hệ thương mại giữa hai nước với những bước phát triển ngoạn mục. Năm 1995, thương mại hai chiều mới đạt 450 triệu USD, đến năm 2022 đã đạt 123 tỷ USD. Việt Nam đã nhanh chóng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ trong ASEAN. Cũng từ năm 2022, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với dấu mốc 100 tỷ USD.
Về đầu tư, Hoa Kỳ luôn là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến năm 2022, đã có hơn 11 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ vào Việt Nam. Điểm mới so với trước đây là một số doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Hoa Kỳ với số vốn lên đến hàng tỷ USD.
Hai nước đã hợp tác tích cực trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hai bên phối hợp ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tiểu vùng sông Mekong, trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, như phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sau 28 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có những bước tiến dài, phát triển sâu rộng, thực chất và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, ở cả ba cấp độ song phương, khu vực và quốc tế.
Để có được những bước tiến dài đó, rất cần đến một nền tảng chính trị vững chắc với sự hiểu biết, xây dựng lòng tin và tôn trọng lẫn nhau giữa các cấp lãnh đạo và người dân hai nước.
Kể từ năm 2000 đến nay, các chuyến thăm cấp cao và các cấp đã diễn ra thường xuyên giữa hai nước, qua đó tăng cường hiểu biết và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, trong đó phải kể đến các chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới Hoa Kỳ như: Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức năm 2005; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức năm 2007; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức năm 2008; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức năm 2013 và xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện với Hoa Kỳ; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức năm 2015 và trong chuyến thăm này, hai nước ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức năm 2017. Gần đây là chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 5/2022.
Lãnh đạo hai nước thường xuyên có các cuộc điện đàm. Đáng chú ý, cuộc điện đàm cấp cao ngày 29/3/2023 giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã khởi động, định hướng cho các hoạt động kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, cũng như định hướng cho quan hệ hai nước trong những thập kỷ tiếp theo.
Những chuyến thăm, những cuộc điện đàm cấp cao với tinh thần thảo luận thẳng thắn, chân thành, tôn trọng lẫn nhau, cùng hướng đến những điểm chung, đã giúp hai bên tăng thêm hiểu biết, xây dựng lòng tin giữa lãnh đạo, người dân hai nước, tạo nền tảng cho mối quan hệ ngày càng phát triển mạnh mẽ và tích cực hơn.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng tháng 7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Hữu nghị và hợp tác là hướng đi duy nhất đúng của quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ, có lợi cho hai nước, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, của khu vực và thế giới."
"Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng hiện nay, lợi ích tương đồng giữa hai nước càng được mở rộng, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả."
Dẫn câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt: "Khi tin là có thể, thì bạn đã đạt được một nửa thành công," Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng: "Chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một tầm nhìn tươi sáng cho quan hệ hai nước trong tương lai, để hai dân tộc chúng ta, con cháu chúng ta luôn là bạn và đối tác tốt của nhau."
Những thành quả tốt đẹp của mối quan hệ song phương trong gần ba thập kỷ qua là cơ sở để khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam sẽ tiếp tục là dấu mốc có ý nghĩa trên hành trình chung vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển bền vững tại khu vực và trên thế giới của hai nước./.