Việt Nam hướng đến các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn, phối hợp xây dựng, hoàn thiện kế hoạch thực hiện Đề án Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN.
Việt Nam hướng đến các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Trưởng đoàn tham dự Phiên họp hẹp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Indonesia ngày 5/9/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 28/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đến năm 2025 (Đề án 161) giai đoạn 2021-2025, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Đây là Hội nghị thường niên giữa Ban Thư ký ASEAN tại Indonesia, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành thuộc Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN tại Việt Nam cùng lãnh đạo sở, ngành liên quan đến từ các tỉnh, thành phố phía Nam.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh năm 2021-2022, Bộ đã hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện kế hoạch thực hiện Đề án 161 giai đoạn 2021-2025.

Các kế hoạch đã lồng ghép được hầu hết mục tiêu của kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN thông qua những hoạt động ngày càng cụ thể hơn, gắn với chương trình, kế hoạch phát triển 5 năm, 10 năm của từng bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực văn hóa-xã hội.

Tuy vậy, theo đánh giá sơ bộ trong giai đoạn 2021-2023, do khách quan ảnh hưởng của COVID-19, việc triển khai vẫn chưa đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Vấn đề nguồn lực còn khá hạn hẹp.

Các cán bộ chuyên trách thiếu hoặc phải kiêm nhiệm cùng nhiều vấn đề khác nên kiến thức về ASEAN nói riêng và hội nhập trở thành rào cản khá lớn.

Do vậy, việc xây dựng thêm chuyên đề chia sẻ tập trung vào lĩnh vực chuyên ngành trong bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung của Việt Nam là vấn đề cần thiết.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Việt Nam đang đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh đó, ngoài nội dung của Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Ban Thư ký ASEAN và các bộ, ngành của Cộng đồng về Hợp tác ASEAN năm 2023, Hội nghị cần trao đổi, chia sẻ kiến thức hội nhập nói chung và hội nhập trong một số lĩnh vực có mối quan hệ liên ngành như lao động, xã hội, môi trường và sự kết nối giữa hội nhập kinh tế với các vấn đề xã hội trong bối cảnh mới, kết nối giữa hội nhập của quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm nâng cao nhận thức, năng lực, hiểu biết cho cán bộ công chức ở cấp Trung ương, địa phương.

[ASEAN thông qua nhiều văn kiện quan trọng về văn hóa-xã hội]

Từ Thủ đô Jakarta của Indonesia, ông Benjamin Loh, Trưởng phòng, Ban Thư ký ASEAN đã chia sẻ trực tuyến về ASEAN và các ưu tiên của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC) 2021-2025, trong đó, ông nhấn mạnh nội dung về tình hình thực hiện Kế hoạch Tổng thể ASCC 2025; chuẩn bị xây dựng tài liệu định hướng của ASCC sau năm 2025; ưu tiên và văn kiện của ASCC trong năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia.

Tại hội nghị, ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao - Quyền Trưởng SOM Việt Nam đã sơ lược về Cộng đồng ASEAN có 3 đặc trưng chính.

Với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam không chỉ nghiêm túc hoàn thành các cam kết và nghĩa vụ của một nước thành viên, mà còn có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển, lớn mạnh của ASEAN được các nước trong và ngoài khu vực ghi nhận, đánh giá cao.

Từ hiện thực hóa ASEAN-10 đặt viên gạch đầu tiên cho Cộng đồng ASEAN, bản Hiến chương ASEAN đưa hợp tác ASEAN vào nền nếp, đến các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN qua từng giai đoạn, Việt Nam đều ghi dấu ấn đóng góp quan trọng, khẳng định vai trò và vị trí của một quốc gia thành viên gắn bó chặt chẽ, có trách nhiệm đối với ASEAN...

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi về tình hình thực hiện Đề án 161. Trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện Đề án giai đoạn 2016-2020, Hội nghị thống nhất với đề xuất cần thúc đẩy phân bổ nguồn lực, nhân lực và tài chính chú trọng hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về Đề án 161 nói riêng, hợp tác ASEAN nói chung trong quá trình triển khai thực hiện thời gian tới.

Các bộ, ngành thuộc Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN tại Việt Nam đã thông tin thêm với đại biểu về tình hình hợp tác ASEAN trong từng lĩnh vực chuyên ngành và những vấn đề mới gắn với các ưu tiên cấp quốc gia. Từ đó, các tỉnh, thành phố có thể tham khảo, lồng ghép triển khai với hoạt động liên quan ở cấp địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục