Việt Nam là hình mẫu hoạt động nghị viện qua công tác tổ chức IPU-132

Trong buổi họp báo quốc tế đầu tiên, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury nhấn mạnh Việt Nam đã đạt đến hình mẫu qua công tác tổ chức Đại hội đồng IPU-132.
Việt Nam là hình mẫu hoạt động nghị viện qua công tác tổ chức IPU-132 ảnh 1Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury phát biểu tại buổi Họp báo quốc tế công bố nội dung và chương trình đại hội. (Ảnh: TTXVN)

Trong buổi họp báo quốc tế đầu tiên trước thềm Đại hội đồng IPU-132 và các hội nghị liên quan, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury nhấn mạnh Việt Nam đã đạt đến hình mẫu qua công tác tổ chức Đại hội đồng IPU-132.

Theo ông, đây là một sự kiện bước ngoặt lớn, thể hiện sự đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với sự phát triển chung của IPU và tạo ra mô hình mẫu cho các nước trên thế giới trong việc tăng cường hợp tác giữa chính phủ và quốc hội.

Người đứng đầu liên minh nghị viện lớn nhất thế giới chia sẻ năm 2015 có ý nghĩa đặc biệt với cả Việt Nam và IPU. Trong năm nay, Việt Nam chuẩn bị tổ chức kỷ niệm nhiều sự kiện, ngày lễ lớn của dân tộc.

Còn với IPU, đây cũng là một năm đột phá với ba nội dung hoạt động chính mang tầm quốc tế. Thứ nhất là thảo luận cơ chế hợp tác nghị viện trong giảm thiểu tác động của thảm họa thiên nhiên đang xảy ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên hơn. Thứ hai là tổng kết, đánh giá việc thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và thảo luận, đề ra Các mục tiêu phát triển bền vững hậu 2015. Thứ ba là thảo luận và thông qua Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội đồng IU-132 để lồng ghép nội dung tuyên bố vào chương trình nghị sự quan trọng của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra vào cuối năm.

Trong cả ba nội dung này, Việt Nam đều có những đóng góp rất tích cực, hiệu quả. Theo lời Chủ tịch IPU Saber Chowdhury và Tổng thư ký IPU Martin Chungong, Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trên thế giới và được cộng đồng quốc tế ghi nhận về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã dồn nhiều nguồn lực để chuẩn bị cho Đại hội đồng IPU-132 cả về khâu tổ chức, làm nội dung và lên chương trình nghị sự. Những nội dung do Ban tổ chức Đại hội đồng IPU-132 đưa ra rất phong phú và thiết thực vì đã “chạm” đến những vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là bình đẳng giới, an ninh mạng, phát triển bền vững, tăng cường hợp tác giữa các nghị viện, giữa nghị viện với chính phủ và quan trọng nhất là việc thực thi, giám sát thực thi các văn kiện, thỏa thuận đạt được.

Tất cả những điều này đã được đưa vào nội dung chính của chương trình nghị sự Đại hội đồng IU-132 và khái quát hóa thông qua chủ đề chính của hội nghị là “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động.”

Không chỉ có ấn tượng mạnh về nội dung nghị sự của Đại hội đồng IPU-132 do nước chủ nhà Việt Nam tổ chức, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury còn tỏ rõ sự ngạc nhiên và thích thú khi được chứng kiến “rừng” logo và khẩu hiệu của IPU trưng bày khắp nơi, từ sân bay, các tòa nhà đến các tuyến phố. Trong suốt buổi họp báo quốc tế đầu tiên trước thềm Đại hội đồng IPU-132, ông Chowdhury đã nhiều lần nhắc lại câu nói: “Quốc hội Việt Nam đã có các công tác chuẩn bị rất tốt cho Đại hội đồng IPU-132.”

Ở một góc nhìn khác, Tổng thư ký IPU Martin Chungong đặc biệt ấn tượng về tỷ lệ nữ nghị sĩ trong Quốc hội Việt Nam. Ông cho biết, tỷ lệ tăng nữ đại biểu Quốc hội trong năm ngoái là 0,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 1,5% của IPU.

Nhưng riêng tại Việt Nam, tỷ lệ nữ nghị sĩ trong Quốc hội là 25% và hướng tới tăng lên 30% trong khóa tới. Điều này cho thấy Việt Nam đang thực hiện rất tốt công tác bình đẳng giới trong hoạt động nghị viện và là tấm gương để nghị viện nhiều nước noi theo.

Theo Tổng thư ký IPU Martin Chungong, bình đẳng giới là một trong những ưu tiên hàng đầu và mục tiêu quan trọng trong chương trình nghị sự của IPU. Liên minh nghị viện luôn thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào đời sống chính trị và xã hội. Vì thế, điều quan trọng là làm thế nào để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào đời sống chính trị.

Muốn vậy, cần phải tạo môi trường và điều kiện cho phụ nữ tham gia Quốc hội và các cấp lãnh đạo trong chính quyền, dỡ bỏ trần giới hạn tham gia của phụ nữ và đưa những nội dung về bình đẳng giới vào Tuyên bố Hà Nội của Đại hội đồng IPU-132.

Đại hội đồng IPU-132 với dấu ấn Hà Nội sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng cường hợp tác giữa các nghị viện trên thế giới, đóng góp mạnh mẽ cho các mục tiêu chung toàn cầu vì hòa bình, phát triển bền vững và thúc đẩy thực thi các mục tiêu này đúng theo tinh thần chung của chủ đề hội nghị “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục