Sáng 19/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội nghị sơ kết chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Thông tin tại hội nghị cho thấy, Việt Nam là một trong các quốc gia hưởng ứng mạnh mẽ chiến dịch 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ.
Bắt đầu từ năm 2016, Chính phủ đã chính thức giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (15/11-15/12 hằng năm).
Tháng hành động đã tạo thành đợt truyền thông cao điểm, thu hút sự tham gia vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần lan tỏa rộng rãi các hình ảnh, thông điệp, kêu gọi các tầng lớp nhân dân cùng nỗ lực thực hiện bình đẳng giới, chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, thông qua chiến dịch truyền thông hằng năm, các thông điệp hướng tới kêu gọi thực hiện bình đẳng giới, chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã lan tỏa ngày một xa hơn, rộng hơn, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong việc đối diện với các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
[Việt Nam quyết tâm thực hiện bình đẳng giới để nâng cao vai trò phụ nữ]
Nhiều vụ bạo hành đã được nạn nhân, người thân, cộng đồng dư luận kịp thời lên tiếng tố cáo, phản ánh để cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý theo quy định của pháp luật, tạo niềm tin cho người dân.
“Làm nên sự thành công này chính là sự vào cuộc, chung tay của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, các địa phương trong cả nước. Trong đó phải kể đến sự đóng góp của nhiều các nhân ở mỗi góc độ, công việc của mình luôn ủng hộ, tích cực tham gia, tạo sự ảnh hưởng lớn trong cộng đồng xã hội”- Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.
Nhấn mạnh bạo lực trên cơ sở giới là thực trạng ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, bà Rah Mi-Hye, Phó Giám đốc quốc gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, tình trạng này ảnh hưởng tới phụ nữ ở các thành phần kinh tế-xã hội khác khau, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ đối với cá nhân những nạn nhân bị bạo lực, mà còn tới sự phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia.
Do đó, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc mong muốn tiếp tục cùng Việt Nam triển khai những hoạt động bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái, tăng cường sự hợp tác giữa Hàn Quốc-Việt Nam.
Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế, bà Rah Mi-Hye, cũng cho biết cơ quan này đánh giá cao việc Việt Nam đã đạt được những kết quả tốt đẹp trong bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em, cũng như việc ban hành Luật Bình Đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Công tác này đã được các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội ở Việt Nam hưởng ứng mạnh mẽ - bà Rah Mi Hye nhấn mạnh.
Chính phủ Việt Nam trong những năm qua luôn ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trong đó có việc chống phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, thông qua việc nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật đồng thời chủ động, tích cực tham gia và triển khai thực hiện các cam kết quốc tế như Công ước của Liên hợp quốc về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW), Công ước Quyền trẻ em (CRC)...
Việt Nam đã ban hành nhiều luật nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em như Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em....
Nhà nước đã cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi; gần 100% trẻ em dưới một tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng, gần 100% trẻ em năm tuổi được đi học mẫu giáo; khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
Năm 2019 đã được Việt Nam chọn là "Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em” và sẽ là chủ đề xuyên suốt, được tiếp nối trong nhiều năm, góp phần thực hiện kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” 2019 tập trung vào 3 nội dung chính gồm An toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình (phòng chống bạo lực gia đình, xâm hạ phụ nữ, trẻ em; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống suy dinh dưỡng; chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em); an toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, an toàn trong môi trường mạng; an toàn vệ sinh thực phẩm./.