Việt Nam tham dự hội nghị chính sách an ninh ARF

Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đã dự Hội nghị Chính sách an ninh ARF (ASPC) diễn ra ngày 25/5 ở Campuchia.
An ninh biển và an toàn năng lượng hạt nhân là hai chủ đề nổi bật tại Hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ASPC) diễn ra ngày 25/5 tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự Hội nghị này.

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, đại diện quốc phòng của 27 quốc gia trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) đã chia sẻ mối quan tâm và khẳng định tầm quan trọng của an ninh khu vực, trong đó nhấn mạnh đến an ninh biển.

Các tranh chấp trên biển nói chung và ở Biển Đông nói riêng cần phải được giải quyết hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các điều ước khu vực. Các nước ủng hộ ASEAN và Trung Quốc thực hiện hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử (COC) vì hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực, cũng như bảo đảm tự do hàng hải và khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế theo luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, các đoàn cũng bày tỏ lo ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, mong muốn các bên liên quan kiềm chế, lắng nghe ý kiến của cộng đồng quốc tế, giải quyết hoà bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Về vấn đề an toàn năng lượng hạt nhân, Hội nghị cho rằng an toàn năng lượng hạt nhân là vấn đề hệ trọng đối với khu vực; cần khuyến khích các nước tham gia các điều ước quốc tế và cơ chế quốc tế về hạt nhân, hoàn thiện khuôn khổ luật pháp trong nước, xây dựng các trung tâm đào tạo và hỗ trợ về an ninh hạt nhân, tăng cường hợp tác quốc tế về vấn đề này.

Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, Việt Nam kiên định quan điểm chống phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và tích cực tham gia các cơ chế để thực hiện việc này nhằm xây dựng khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung phi vũ khí hạt nhân một cách bền vững.

Tuy nhiên, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình: “Đây là nguồn năng lượng quan trọng trong tương lai. Chúng ta cần nghiên cứu sử dụng nguồn năng lượng này để phát triển kinh tế của mỗi nước”. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu bật an toàn là yếu tố phải quan tâm hàng đầu khi sử dụng năng lượng hạt nhân.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: “Nếu xảy ra mất an toàn thì không chỉ ảnh hưởng tới một nước, mà cả khu vực, thậm chí nhiều khu vực trên thế giới. Chúng ta phải sẵn sàng đối phó với những trục trặc, tai nạn khi sử dụng năng lượng hạt nhân. Thực tế các sự cố xảy ra ở cả các nước phát triển chứ không chỉ ở các nước đang phát triển.”

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Việt Nam đang nghiên cứu kỹ lưỡng, vạch lộ trình từng bước nghiên cứu sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

Ông nhấn mạnh: “Điều kiện tiên quyết đặt ra là phải an toàn trong suốt quá trình hoạt động của các dự án. Việt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác với các nước để bảo đảm an toàn hạt nhân."

Hai kỳ Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân vừa qua, Thủ tướng Việt Nam đều tham dự và có đóng góp tích cực để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, bên cạnh hợp tác quốc tế về công nghệ cao, điều quan trọng hơn là hợp tác xây dựng tiềm lực con người. Ông nêu rõ: “ Chúng tôi nhận thấy, khi sử dụng năng lượng hạt nhân cần xây dựng đội ngũ có trình độ cao và trách nhiệm cao. Những biến cố hạt nhân xảy ra chủ yếu là do con người.”

ASPC là hội nghị trong khuôn khổ các hoạt động quốc phòng hằng năm thuộc Diễn đàn khu vực ASEAN, được đăng cai theo nguyên tắc luân phiên. ARF ra đời vào ngày 25/7/1994 tại Thái Lan. Đến nay, ARF có 27 thành viên gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, 10 bên đối tác đối thoại của ASEAN (gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Canada và Liên minh châu Âu) và các nước khác gồm Papua New Guinea, Mông Cổ, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka và Timor Leste./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục