Việt Nam tham gia, đóng góp tích cực tại COP 17

Tại hội nghị COP 17, tại Durban, đoàn đại biểu Việt Nam luôn tham gia tích cực các cuộc thảo luận chung, đa phương và song phương.
Ngày 1/12, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Nam Phi, ông Phạm Văn Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP 17), tại Durban, cho biết tại hội nghị này, đoàn Việt Nam luôn tham gia tích cực các cuộc thảo luận chung, đa phương và song phương.

Ông Phạm Văn Tấn nêu rõ rằng với vai trò, vị trí của một thành viên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào các vấn đề chung và nội dung cụ thể của các văn kiện quan trọng của các hội nghị về biến đổi khí hậu trước đây.

Bên cạnh đó, đoàn đại biểu Việt Nam cũng thảo luận và thông qua nhiều vấn đề cơ bản và biện pháp ứng phó về biến đổi khí hậu toàn cầu nhằm nâng cao vị thế của Nhóm các nước đang phát triển và Việt Nam đồng thời Việt Nam cũng đóng góp các quan điểm, nội dung, chức năng, nhiệm vụ của các văn kiện liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt, việc ứng phó với sự biến đổi khí hậu nhằm duy trì sự phát triển bền vững là mục tiêu và ưu tiên hàng đầu của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Ngoài việc tham gia thảo luận các vấn đề chung mang tính chiến lược và định hướng,đoàn Việt Nam còn tham gia các cuộc đàm phán song phương với nhiều nước và đối tác để tìm ra các quan điểm chung nhằm thu hẹp bất đồng và tăng cường phối hợp, hợp tác và hỗ trợ Việt Nam ứng phó có hiệu quả với sự biến đổi khí hậu.

Về khả năng COP 17 có đạt được một số định hướng hoặc vấn đề cụ thể nào hay không trong bối cảnh giai đoạn một của Nghị định thư Kyoto sẽ kết thúc vào năm 2012, ông Phạm Văn Tấn cho biết hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các nhóm nước và các bên tham gia UNFCCC về biến đổi khí hậu, đặc biệt nhiều vấn đề liên quan tới giai đoạn hai của Nghị định thư Kyoto, nên việc thống nhất chung trên một số vấn đề lớn về biến đổi khí hậu khó có thể đạt được tại hội nghị này.

Ông Tấn nói: "Cá nhân tôi không kỳ vọng có thể đi đến thống nhất về tất cả nội dung trong giai đoạn hai của Nghị định thư Kyoto."

Tuy nhiên, ông Tấn cho rằng các vấn đề trong khuôn khổ hợp tác dài hạn, đã được đàm phán và cụ thể hóa trong thời gian qua, có thể được thông qua tại hội nghị Durban, nhất là bốn nội dung chủ yếu đã được nhất trí tại COP 16 như Ủy ban chuyển đổi, Ủy ban thích ứng về biến đổi khí hậu, Ủy ban tài chính, Ủy ban các dự án chính về biến đổi khí hậu.

Hiện nay, quan điểm của các bên tại các vòng đàm phán vẫn còn nhiều khác biệt, nhưng đã bắt đầu có tiến triển và nên vẫn có khả năng đạt được một số vấn đề nhất định liên quan đến biện pháp ứng phó đối với sự biến đổi khí hậu toàn cầu tại hội nghị lần này.

Ông Tấn cho biết thêm những ngày đầu của hội nghị lần này, Nhóm các nước đang phát triển hay còn gọi là Nhóm 77 (gồm 130 nước và vùng lãnh thổ) và Trung Quốc đã chú trọng các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu cần dựa trên nội dung Nghị định thư Kyoto, Công ước Rome, Thỏa thuận Bali ..... Những ngày còn lại, các bên có thể tập trung thảo luận nội dung chính và cam kết về giai đoạn hai của Nghị định thư Kyoto và các giai đoạn tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục