Chiều 13/4, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yun-mo.
Trước khi tiến hành hội đàm, để tận dụng tốt hơn nữa Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) trong việc thúc đẩy xuất khẩu, hai Bộ trưởng đã ký Quyết định thành lập nhóm công tác xây dựng Hệ thống trao đổi dữ liệu tự chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA.
Khi hệ thống này khi đi vào triển khai, doanh nghiệp sẽ không cần xuất trình C/O bản giấy để được áp dụng ưu đãi thuế nhập khẩu nữa. Việc này sẽ giúp giảm chi phí đi lại, giao dịch và tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hai bên.
Mở đầu buổi hội đàm, hai Bộ trưởng đã chia sẻ và đánh giá cao nỗ lực và các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 rất quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ hai nước.
Hai Bộ trưởng cũng nhấn mạnh ý nghĩa cấp thiết của Hội đàm trực tuyến ngày hôm nay nhằm trao đổi các biện pháp hợp tác phòng chống dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo duy trì, không gián đoạn và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh không thể gặp mặt trực tiếp do dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Mặc dù các hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai bên đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng hai Bộ trưởng nhất trí cần sớm thống nhất triển khai các giải pháp của kế hoạch thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ USD như lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra.
Các giải pháp này hiện nay càng trở nên cần thiết hơn nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã thông báo cho phía Hàn Quốc về việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) đã được Liên minh châu Âu phê chuẩn, dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020 sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn.
Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các Hiệp định Thương mại tự do khác, EVFTA đã thể hiện mức độ hội nhập rất cao của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới và khu vực.
Do vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ trưởng Sung Yun-mo khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam đầu tư trong các lĩnh vực dệt may, da giầy, đồ gỗ, điện tử, chế biến nông thủy sản, tận dụng lợi thế của Hiệp định EVFTA, CPTPP...để tăng cường khai thác thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường các nước EU và CPTPP.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, hiện nay Việt Nam đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, điện, năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, tới đây, Việt Nam sẽ phê duyệt Tổng sơ đồ điện VIII, mở ra nhiều cơ hội to lớn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam trong các lĩnh vực nguồn điện, hạ tầng năng lượng, năng lượng tái tạo phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam.
Bộ trưởng Sung Yun-mo đánh giá cao năng lực hội nhập của Việt Nam và các cơ hội mở ra từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia, khẳng định sẽ khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gợi ý.
Cũng tại buổi hội đàm, hai bên đã thảo luận và chia sẻ nhu cầu thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng chặt chẽ hơn nữa giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Phía Hàn Quốc chia sẻ rằng, dịch COVID-19 đã cho thấy vai trò quan trọng của việc đảm bảo, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào 1 đối tác.
Còn theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam và Hàn Quốc trước mắt có thể hợp tác chặt chẽ để Việt Nam trở thành mắt xích chủ yếu trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất ô tô, điện tử, dệt may…nhằm đảm bảo sản xuất ổn định và bền vững, vì lợi ích của cả hai bên.
Một trong những phương hướng cụ thể hai bên có thể triển khai ngay là phát triển chuỗi cung ứng về linh kiện phụ tùng ô tô, tận dụng nền tảng hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong lĩnh vực ô tô thời gian qua.
Mặt khác, hai bên sẽ nhanh chóng ban hành quy định cho phép doanh nghiệp khai thác ngay việc cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU để tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc, phục vụ sản xuất, xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam đi châu Âu.
Trong số các nội dung trao đổi, an ninh lương thực và cung ứng các sản phẩm trái cây, nông sản, thủy sản cũng là một nội dung quan trọng mà hai Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian thảo luận.
Đáng lưu ý, hai Bộ trưởng cũng đã phân tích và đánh giá cao khả năng tăng cường hợp tác về an ninh lương thực, cung ứng lúa gạo, rau quả, trái cây, nông thủy sản trong bối cảnh dịch bệnh.
Cùng với đó, hai Bộ trưởng khẳng định có nhiều cơ hội hợp tác mở ra cho doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác cung ứng, đầu tư nuôi trồng nông thủy sản và chế biến rau quả, trái cây tươi.
Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề nghị và Bộ trưởng Sung Yun-mo nhất trí với việc Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc đẩy nhanh quá trình đánh giá rủi ro cấp phép nhập khẩu cho quả thanh long ruột đỏ, quả bưởi của Việt Nam.
Hơn nữa, tập trung hỗ trợ phía Việt Nam triển khai các hoạt động giúp kết nối và đưa hàng Việt Nam phân phối trực tiếp qua các kênh phân phối lớn của Hàn Quốc như Lotte Mart, E-Mart, Home Plus, CJ Home Shoping.
Trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp của hai nước đều gặp khó khăn do dịch bệnh, hai bên đồng ý sẽ cùng phối hợp chặt chẽ trên tinh thần không tạo thêm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp cũng như thực hiện các biện pháp mới, mang tính sáng tạo để tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp hai nước.
Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề nghị Bộ trưởng Sung Yun-mo có ý kiến với Ủy ban Thương mại Hàn Quốc không tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ ván ép của Việt Nam.
Nếu biện pháp chống bán phá giá được áp dụng sẽ ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục nghìn lao động trực tiếp và hàng trăm nghìn hộ nông dân trồng rừng của Việt Nam; đồng thời sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc, tiếp tục gây mất cân đối cán cân thương mại giữa hai nước.
Thấu hiểu sự lo lắng của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đối với đời sống của người dân và công nhân lao động, Bộ trưởng Sung Yun-mo nhất trí sẽ có ý kiến trực tiếp với Ủy ban Thương mại Hàn Quốc để giải quyết vấn đề một cách tích cực, nhất là trong lúc dịch bệnh đang làm cho cuộc sống người lao động trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, nhân năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, hai bộ trưởng nhất trí phối hợp chặt chẽ, ủng hộ các sáng kiến chung vì sự thành công của các Hội nghị cấp cao, các Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN + và vì sự thành công chung của năm ASEAN Việt Nam 2020.
Hai Bên chia sẻ mong muốn phối hợp chặt chẽ với các thành viên liên quan để có thể ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực trong năm 2020.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng Sung Yun-mo đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong thời gian qua, ấn tượng với tầm vóc và vai trò của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP), tin tưởng rằng với sự dẫn dắt của Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ của Hàn Quốc, việc ký kết RCEP sẽ hoàn thành đúng thời hạn như lãnh đạo cấp cao các nước đã đề ra.
Cuối cùng, hai Bộ trưởng chia sẻ tầm quan trọng của việc duy trì luồng di chuyển nhân lực chất lượng cao phục vụ cho hoạt động của các dự án FDI nói chung cũng như các dự án FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam nói riêng nhưng vẫn phải đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu phòng chống dịch bệnh của hai nước.
Bộ trưởng Sung Yun-mo cảm ơn Chính phủ, Bộ Công Thương Việt Nam đã hỗ trợ công dân và doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam, đặc biệt là đã hỗ trợ giải quyết nhập cảnh và cách ly tập trung riêng cho các cán bộ quản lý, chuyên gia của các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.
Điều này góp phần tạo lòng tin trong các nhà đầu tư Hàn Quốc, đồng thời hỗ trợ một phần các khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ kế hoạch kinh doanh cho các doanh nghiệp này.
Trong thời gian tới, hai Bộ trưởng chia sẻ cần có sự hợp tác giữa hai Chính phủ, các cơ quan y tế giữa hai bên về kiểm soát dịch bệnh cũng như công nhận lẫn nhau về kết quả xét nghiệm.
Đây sẽ là cơ sở quan trọng giúp tạo thuận lợi cho việc di chuyển thể nhân, lao động giữa hai nước, vừa đáp ứng yêu cầu phòng dịch vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh./.