Thời gian qua, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp nông thôn nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh.
Tạo đà cho công nghiệp hỗ trợ phát triển
Xác định công nghiệp hỗ trợ không chỉ là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa mà còn là nền tảng, cơ sở để sản xuất công nghiệp phát triển mạnh hơn, thời gian qua, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều chính sách, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thẩm định dự án, cấp phép đầu tư; thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức pháp luật, các cơ chế, chính sách, trợ giúp pháp lý, hướng dẫn và thực hiện tốt chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Năm 2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 39 quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển theo Nghị quyết số 57 của Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025.
Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% chi phí lập hồ sơ và cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ hỗ trợ công nghệ cao; chi phí đánh giá công nhận đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo khu vực cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
[Tỉnh Vĩnh Phúc thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại Cộng hòa Séc]
Đồng thời, hỗ trợ lãi suất vay vốn thực hiện đầu tư dự án mới hoặc mở rộng dự án từ 20% quy mô trở lên; hỗ trợ 50% chi phí, lãi suất vay vốn đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Thông tin từ Sở Công thương, đến nay, toàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu là sản xuất phụ tùng, linh kiện cung ứng cho các nhà sản xuất lắp ráp ôtô, xe máy.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ chế tạo thấp, chủ yếu là gia công, lắp ráp cụm linh kiện, sản xuất sản phẩm đơn giản, giá trị gia tăng không cao và còn sử dụng nhiều lao động.
Chính sách mới này được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh bứt phá và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng giá trị xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ trở thành mắt xích cung cấp sản phẩm công nghệ hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, tham gia thị trường xuất khẩu.
Đòn bẩy cho công nghiệp nông thôn
Những năm gần đây, cùng với các chính sách hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc đã có thêm nhiều cơ chế ưu đãi riêng nhằm khuyến khích, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nông thôn.
Đây được xem là đòn bẩy quan trọng để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn. Qua đó, không chỉ giải quyết riêng vấn đề phát triển kinh tế, mà còn đóng góp lớn vào việc thay đổi diện mạo nông thôn.
Theo thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh đang duy trì và phát triển 25 làng nghề, trong đó, có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới.
Với các lĩnh vực sản xuất chủ yếu là mộc, gốm, đan lát mây tre, rèn, chế tác đá và chế biến nông-lâm-thủy sản, các làng nghề đã tạo việc làm trên 55.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 3,5-5 triệu đồng/người/tháng, qua đó, đóng góp không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Song nếu so với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh và xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, các làng nghề này chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thị trường tiêu thụ hạn chế và chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu.
Trong khi đó, lực lượng lao động đa phần là người lớn tuổi khiến việc ứng dụng công nghệ mới còn hạn chế, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, giá thành và tính cạnh tranh của sản phẩm làng nghề.
Sớm nhận ra những tồn tại, hạn chế kể trên, nhất là từ khi Nghị định 45 của Chính phủ về khuyến công đi vào cuộc sống với những chính sách cụ thể, thiết thực khuyến khích, hỗ trợ tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và triển khai Chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí thực hiện trên 34,6 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống theo chiều sâu gắn với việc xây dựng thương hiệu; khuyến khích xây dựng mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm từ nghề truyền thống; hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực quản lý; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến…
Theo đó, trong giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh đã hỗ trợ 78 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực nông thôn; riêng năm 2019, sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 50 dự án, đề án thuộc chương trình này.
Qua kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp, cơ sở đã được hỗ trợ cho thấy, từ các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh đã giúp các đơn vị chủ động đầu tư công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, giúp đơn vị sản xuất nâng cao doanh thu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đơn cử như Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sản xuất Thương mại và Dịch vụ T&T chuyên sản xuất bàn, ghế nhựa giả mây tại xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô.
Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chương trình khuyến công, Công ty đã mở các lớp đào tạo nghề tại chỗ, nâng cao tay nghề cho lao động; tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm và chủ động đăng ký sở hữu trí tuệ, tham gia các hội chợ thương mại… dần tìm được chỗ đứng tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài khó tính như Mỹ, Anh, Pháp...
Hiện doanh thu trung bình mỗi năm của Công ty đạt từ 3-4 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động với mức lương từ 3-6 triệu đồng/người/tháng.
Hay như hợp tác xã cơ khí Hải Dương, tại xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường. Được hỗ trợ 40 triệu đồng để đầu tư mua sắm máy đột dập, đáp ứng nhu cầu sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công, hợp tác xã đã chủ động bỏ thêm vốn đầu tư, nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh, từ đó mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Hiện tại, hợp tác xã đang giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động với mức lương bình quân 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Từ kết quả đạt được, thời gian tới, Sở Công thương sẽ chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động khuyến công theo hướng đổi mới công tác hỗ trợ về đào tạo, truyền nghề; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến với quy mô lớn, tập trung vào các ngành nghề có thế mạnh, mũi nhọn của tỉnh.
Đặc biệt, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng chính sách liên quan đến hoạt động khuyến công, giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn kịp thời nắm bắt, tiếp cận được nguồn vốn ưu, sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hình thành hệ thống phân phối lớn trong và ngoài nước.
Sở cũng quan tâm nhiều hơn nữa tới các chính sách đối với nghệ nhân, thợ giỏi nghề thủ công mỹ nghệ, từ đó góp phần thúc đẩy làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề nói riêng và công nghiệp nông thôn nói chung trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững./.