VN khẳng định chính sách đối ngoại chủ động hội nhập

Thông qua hoạt động tại LHQ, Việt Nam khẳng định tiếp tục đổi mới chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và đường lối đối ngoại.
Từ ngày 23-28/9, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã dẫn đầu Đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 66 và một số hoạt động bên lề tại New York, Mỹ.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh nêu rõ tại khóa họp này, đoàn Việt Nam đã có phát biểu tham luận trong Phiên thảo luận chung của Đại Hội đồng, tham dự các hội nghị về an ninh, an toàn hạt nhân, chống các bệnh không truyền nhiễm, chống sa mạc hóa, Hội nghị Bộ trưởng Nhóm G-77, Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ, Diễn đàn xây dựng lòng tin tại châu Á (CICA), Nhóm 3G về quản trị toàn cầu.

[VN chủ động đóng góp vào công việc quốc tế chung]

Đoàn Việt Nam cũng đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao tới của ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), các cuộc họp của ASEAN với các đối tác, tiếp tục trao đổi về các vấn đề khác mà ASEAN quan tâm và phối hợp lập trường tại Liên hợp quốc. Đoàn cũng được mời trình bày kinh nghiệp thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ tại các cuộc họp do một số nước tài trợ đăng cai.

Cũng nhân dịp này, Đoàn Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, lãnh đạo ba tổ chức phát triển Liên hợp quốc mới hoàn thành chương trình hợp tác 5 năm với Việt Nam là Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), và Bộ trưởng Ngoại giao 14 nước (gồm Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Argentina, Cuba, Canada, Costa Rica, Mỹ, Bulgaria, Công hòa Séc, Slovenia, Nga, Kyrgyzstan, Kazakhstan).

Tại các hội nghị trên, Việt Nam đã đóng góp ý kiến về phát huy vai trò của Liên hợp quốc trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, ngăn ngừa xung đột, giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế, cải cách các thể chế kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế theo hướng công bằng, quan tâm đến lợi ích của các nước đang phát triển, tăng cường hợp tác phòng chống dịch bệnh, và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà Việt Nam có thể phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN với Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Đoàn Việt Nam đã thay mặt hiệp hội trình bày tình hình, kinh nghiệm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở các nước ASEAN, và nêu khuyến nghị về hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN trên vấn đề này.

Trong các cuộc tiếp xúc song phương, Đoàn Việt Nam đã bàn về các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực, tăng cường hợp tác tại Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương. Khi trao đổi về các vấn đề hợp tác cụ thể với các nước cũng như với các lãnh đạo của Liên hợp quốc, Đoàn Việt Nam đã nêu rõ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và các ưu tiên đã được Đảng và Nhà nước đề ra, các nỗ lực hiện nay của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội.

Thông qua các hoạt động nêu trên, Đoàn Việt Nam đã thực hiện các nhiệm vụ được giao, khẳng định đường lối tiếp tục đổi mới toàn diện, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đường lối đối ngoại đã được Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước và thúc đẩy các vấn đề Việt Nam quan tâm.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết điểm nổi bật nhất của khóa họp năm nay của Đại Hội đồng Liên hợp quốc là có nhiều sự kiện quan trọng, thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Khoảng 120 vị đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ, hơn 60 bộ trưởng các nước đã tham dự Phiên thảo luận chung.

Nhân dịp này cũng diễn ra nhiều hội nghị quốc tế về các vấn đề lớn như đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân, cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện, chống bệnh không truyền nhiễm, chống sa mạc hóa. Các nhóm nước và các nước ở các khu vực cũng tổ chức họp cấp cao như hội nghị của Nhóm các nước đang phát triển(G-77), Cộng đồng Pháp ngữ, ASEAN, Diễn đàn xây dựng lòng tin châu Á (CICA).

Bộ trưởng nhận định các nước đều đánh giá hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Tuy nhiên, tại một số khu vực tiếp tục có những căng thẳng, xung đột, nhất là khu vực Trung Đông, Bắc Phi.

Các nước đã nhấn mạnh tới nhu cầu Liên hợp quốc cần có sáng kiến, nỗ lực để thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn xung đột, hòa giải, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Cùng với đó là yêu cầu thúc đẩy cải tổ Liên hợp quốc để tổ chức này phát huy vai trò trung tâm trong các nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác phát triển.

Đối với các vấn đề khu vực, nổi bật là tiến trình hòa bình Palestine-Israel, đặc biệt là việc Nhà nước Palestine nộp đơn xin trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc, đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh xung đột Palestine-Israel là một trong những vấn đề quốc tế hàng đầu và được thảo luận thường xuyên tại Liên hợp quốc trong nhiều thập kỷ qua.

Nhìn chung, các nước thành viên Liên hợp quốc mong muốn các bên sớm đạt được một giải pháp lâu dài, ủng hộ các quyền chính đáng của nhân dân Palestine, trong đó có quyền tự quyết và xây dựng một nhà nước độc lập.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng cho biết tại khóa họp, các nước đã trao đổi về các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác, tìm giải pháp chung cho các vấn đề toàn cầu. Việc thúc đẩy các cường quốc hạt nhân có những bước đi cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và vấn đề ngăn ngừa phổ biến vũ khí giết người hàng loạt tiếp tục là chủ đề lớn.

Ngoài ra, các vấn đề phát triển khác cũng được quan tâm như trách nhiệm của các nước công nghiệp đối với sự ổn định chung của kinh tế, thương mại quốc tế, các biện pháp hỗ trợ cho các nước đang phát triển đối phó với những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và các chính sách, cơ chế ở cáp quốc tế cũng như quốc gia nhằm ứng phó hiệu quả với tình trạng mất an ninh lương thực, năng lượng cùng với biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục