Vũ Thị Hương: Ngọt ngào sau những đắng cay

Với cá tính của con Hổ, Vũ Thị Hương sau nửa năm vật lộn với chấn thương đã có màn tăng tốc ngoạn mục để thăng hoa trong năm 2009.
Sinh năm 1986, cầm tinh con hổ, Vũ Thị Hương tự nhận thấy tính cách và phong cách thi đấu của mình chịu ảnh hưởng của tuổi con Hổ.

"Bình thường thì nóng nảy, khi ra thi đấu thì lì lợm, lại thấy mình một chút đanh đá chứ không phải là hiền, đúng là tuổi Hổ", Vũ Thị Hương tự sự, "nhưng nếu không có cá tính như thế thì không chơi được điền kinh cự ly ngắn, vì muốn thi đấu tốt ở nội dung này phải có cá tính mạnh mẽ, lỳ lợm".

Và với tính cách đó, sau nửa đầu năm 2009 vật lộn với chấn thương, Hương đã có màn tăng tốc trở lại ngoạn mục để khép lại năm qua cùng những hình ảnh ấn tượng, tràn đầy cảm xúc thăng hoa ở đấu trường trong nước, Đông Nam Á, châu Á và cả danh hiệu vận động viên tiêu biểu của năm.

“Đánh đu” với chấn thương

Tự tin, gai góc đến... lì lợm, đấy là tính của Hương. Thế mà, gần nửa năm 2009 chữa chạy chấn thương cổ chân, lòng Hương cũng đã lung lay lắm. Mà nếu chấn thương trong khi tập chạy cự ly ngắn đã đành, đằng này, “nữ hoàng tốc độ” đau do tập... chạy rào! Đối với một vận động viên chạy cự ly ngắn, chấn thương ấy là nỗi sợ hãi và ám ảnh ghê gớm lắm. Hương cũng vậy, thời gian đầu đầy ngán ngẩm với một thoáng chốc sai lầm của mình. Nghiến răng chịu đựng và đôi khi Hương dằn vặt với cảm giác sự nghiệp của mình đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Tạm rời đường chạy, những tháng đầu năm 2009 với Hương chẳng khác chi cực hình. “Không được tập, đa phần thời gian là vào viện chữa trị, rồi ngồi nhìn các đồng đội của tổ ngắn tập luyện, lòng tôi nóng lắm,” Hương tâm sự. Đã vậy, những ánh mắt của người đời bắt đầu soi mói, những lời bàn tán về khả năng hồi phục của Hương cũng bắt đầu râm ran. Thậm chí, một số giải mời quốc tế như Thái Lan mở rộng, giải điền kinh quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh hay Asian Grand Prix, Hương đều lắc đầu từ chối tham dự, càng khiến mối nghi ngờ tăng lên.

Mặc kệ! Hương bảo thế. Từ lâu, Hương đã quen với những câu đùa “nửa nạc, nửa mỡ” đầy ác ý, quen với những kiểu “buôn dưa lê” của người đời về chuyện đời tư, về sinh hoạt riêng và về cả nghiệp chạy bấp bênh với vài lần bị đuổi khỏi đội tuyển quốc gia của mình.

Chính vì phớt lờ chuyện thiên hạ, chính vì chất sống đầy bản lĩnh, Hương sẵn sàng đối diện với quãng trầm của sự nghiệp, chờ một ngày mai tươi sáng hơn. Huấn luyện viên Nguyễn Đình Minh, người huấn luyện trực tiếp Hương thán phục: “Hương có tài, có bản lĩnh và ý chí vượt lên khó khăn thì bản thân tôi là thầy đôi khi cũng phải học hỏi. Chấn thương nào chẳng dằn vặt vận động viên, đặc biệt đối với một người đang được kỳ vọng lớn như Hương. Tôi lo, Hương cũng lo. Nhưng thầy trò tự an ủi nhau tìm cách thoát khỏi tình trạng xấu ấy.”

Những sự kiện điền kinh quốc tế Asian Indoor Games 3, giải vô địch châu Á 2009, SEA Games 25 càng đến gần, lòng Hương càng hồi hộp. Nhưng có lẽ, cái bản tính kiên cường trong cô như nguồn động lực thúc đẩy cô tiếp tục đứng dậy, giống như trước kia Hương chia tay Thái Nguyên trong cảnh bơ vơ, không nơi nương tựa, trước khi chọn về đầu quân cho An Giang vậy...

Ấn tượng ngày trở lại

Bỏ lại sau lưng những tháng ngày trầy trật với chấn thương, với ánh mắt ngờ vực của dư luận, “nữ hoàng tốc độ” trở lại đường chạy theo cách không thể ấn tượng hơn. Giải Vô địch Quốc gia 2009 hồi tháng 9 ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hương xuất hiện lần đầu tiên trong ánh mắt nửa mừng, nửa lo của ông Trưởng bộ môn điền kinh quốc gia Dương Đức Thủy. Lúc đó, huấn luyện viên Nguyễn Đình Minh cười đầy ẩn ý: “Để Hương thi đấu đã, rồi mọi người sẽ biết cô đã bình phục hoàn toàn chấn thương hay chưa.”

Hương bước vào chung kết cự ly 100m với vẻ lạnh lùng. Rồi Hương chạy, vượt lên tất cả các đối thủ và tràn về đích như một cơn lốc với chỉ số thời gian kỷ lục quốc gia mới: 11”43! So với chiến tích ở SEA Games hai năm trước (Hương chạy hết 11”47), bước tiến mới quả đã khiến nhiều người sốc, nhất là khi cô vừa dứt chấn thương. Chưa hết, Hương thắng tiếp ở cự ly 200m với thành tích 23”29, bỏ cách khá xa những đối thủ trong nước.

Thời điểm đó, hầu như mọi ánh mắt nghi ngờ Hương đều tan biến. Người ta đã sai khi quá vội vã đánh giá một con người tài năng và bản lĩnh như Vũ Thị Hương. Và giống như câu trả lời trung thực nhất, thành tích ở giải Vô địch Quốc gia 2009 chính là cách Hương lấy lại tất cả những gì đã vuột khỏi tầm tay trong nửa năm trời chấn thương.

Chưa dừng lại ở đó, “nữ hoàng tốc độ” còn tạo cú sốc lớn nhất trong năm ở Asian Indoor Games 3 tại Hà Nội. Những bước chạy như vũ bão của Hương chinh phục tấm huy chương vàng cự ly 60m, đánh bại nhà vô địch Guzel Khubbieva (Uzbekistan), đối thủ mà Hương chưa từng thắng được trong các cuộc tranh tài cấp châu lục trước đây. Chỉ số thời gian 7”24 cũng chính là kỷ lục mới của châu Á nội dung 60m trong nhà.

Chừng một tuần sau Asian Indoor Games 3, Hương tiếp tục trình diễn màn ấn tượng khác ở giải vô địch châu Á 2009 ở Quảng Châu (Trung Quốc). Hương đoạt 2 tấm huy chương bạc 100m và 200m, để khẳng định cô đã hoàn toàn sẵn sàng cho những cuộc tranh tài cấp độ châu lục khác trong nay mai.

Chính vì thế, khi Hương đến Lào dự SEA Games 25, huấn luyện viên Nguyễn Đình Minh quả quyết rằng lấy huy chương vàng là điều không khó đối với cô, kỷ lục SEA Games mới chính là đích ngắm quan trọng. Mà đúng thật, Hương phá kỷ lục 100m của đại hội với thành tích mới 11”34, cải thiện hơn 1% giây so với chính mình ở giải Vô địch Quốc gia diễn ra trước đó chưa lâu.

Ba tháng bùng nổ ở mọi đấu trường, 3 kỷ lục bị chính Hương xô ngã và rõ ràng cô chính là điểm nhấn lớn nhất của điền kinh Việt Nam trong cái năm 2009 lẫn lộn buồn, vui. Có lẽ đấy là lý do, giới truyền thông không ngần ngại xếp cô ở vị trí số 1 trong cuộc bầu chọn “Vận động viên tiêu biểu năm 2009”. Một cái kết có hậu và ngọt ngào đối với “nữ hoàng tốc độ”…

Giấc mơ ASIAD 16

Hương quả quyết: “Anh cứ chờ đấy, em sẽ lấy huy chương ASIAD 16 cho coi. Nhưng màu gì, thì em khất, đợi đến lúc về đích hẵng hay.”

Cô gái này chẳng nói đùa, vì trong cách nói của Hương, có một sự quả quyết ghê gớm, nó gieo vào lòng người đối diện một niềm tin, sự kỳ vọng rất lớn. Vậy Hương không ngán mấy đối thủ Nhật Bản, Trung Quốc hay Uzbekistan sao? “Em thử sức với họ rồi. Họ mạnh, nhưng mình cũng có cửa chứ. Ngại gì!”, Hương thẳng thắn.

4 năm trước, Hương xếp hạng 4 ở ASIAD 15, kém đối thủ người Bahrain độ nửa bước chân và thua người về nhất là Guzel Khubbieva hơn 3% giây. Thời điểm đó, “nữ hoàng tốc độ” đang là nhà vô địch Đông Nam Á, nhưng bước ra sân chơi lớn, thành tích như vậy là quá ổn. Và Hương nung nấu trong lòng quyết tâm sẽ khác ở ASIAD 16 phía trước.

Giờ đây, Hương là một trong 3 gương mặt được cho là “sáng” nhất của điền kinh Việt Nam tại đấu trường châu lục (cùng Trương Thanh Hằng và Vũ Văn Huyện). Thậm chí, nhờ cú đột phá gây sốc ở Asian Indoor Games 2009 (Hương về nhất cự ly 60m với thời gian phá kỷ lục châu Á trong nhà), nhiều nhà chuyên môn kỳ vọng Hương sẽ bùng nổ ở ASIAD 16. Ở sân chơi trong nhà, Hương đã thắng chính người đoạt HCV 4 năm trước là Guzel (Uzbekistan). Ra sân ngoài trời, Hương sẽ càng thắp thêm hy vọng.

Sau một năm 2009 đầy khởi sắc, rất có thể, trên đà tiến như vũ bão của mình, Vũ Thị Hương sẽ lại gây sốc ở sân chơi ASIAD - sân chơi không chỉ đối với điền kinh, mà với nhiều môn thể thao khác nữa của Việt Nam, vẫn là điều xa vời…/.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục