"Vụ Titanic đệ nhị"

Vụ "Titanic đệ nhị" qua lời kể của người sống sót

Những người sống sót mô tả lại khung cảnh kinh hoàng khi chiếc tàu du lịch sang trọng mắc cạn, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng.
Vụ chìm tàu du lịch Costa Concordia ở ngoài khơi Giglio, Italy đã được báo chí thế giới coi là một vụ Titanic thứ hai, sau vụ đắm tàu khủng khiếp nhất trong lịch sử năm 1911. Những người sống sót mô tả lại khung cảnh kinh hoàng khi chiếc tàu du lịch sang trọng mắc cạn và đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, 40 người vẫn còn mất tích tính đến thời điểm này. Đầu tiên là một cú va chạm mạnh, sau đó điện đóm tắt ngấm, lúc tai nạn xảy ra là vào khoảng 9g30 tối, chỉ hai tiếng rưỡi sau khi chiếc tàu du lịch sang trọng này rời bến ở Địa Trung Hải. Hai hồi còi dài, rồi một hồi còi ngắn, báo hiệu tàu đang trong tình trạng khẩn cấp. Hơn 3.000 du khách trên tàu không có nhiều thời gian để mang theo đồ đạc khi chiếc tàu đâm vào đá ngầm ở ngoài khơi Tuscany, nhiều người đang ăn tối. Các điều tra viên hiện đang điều tra cẩn thận vụ việc, khi thuyền trưởng Francesco Schettino bị cáo buộc đã đưa tàu đi ra khỏi hành trình dự kiến và bỏ tàu trước khi tất cả các hành khách được cứu. Theo Joel Pavageau, một người sống sót kể lại, “thuyền trưởng nói bằng năm, sáu thứ tiếng, bảo mọi người đừng sợ hãi. Tôi có cảm giác mình đang sống thời khắc cuối cùng của cuộc đời”. Bốn mươi phút sau cú đâm, tình hình bắt đầu trở nên tồi tệ hơn. Bảy hồi còi ngắn liên tục và một hồi còi dài: mệnh lệnh tất cả rời ràu! Khung cảnh hỗn loạn diễn ra khắp nơi, khi hành khách vội vàng chạy về cabin tìm áo cứu sinh hoặc lên boong số bốn, nơi có các thuyền cứu hộ. Ít nhất 100 người trong cơn hoảng loạn đã nhảy xuống làn nước biển lạnh cóng, nhiều người đối mặt với nguy cơ tử nạn. “Chúng tôi gặp may vì vẫn ở khá gần bờ”, Jose Rodriguez, một người đứng quầy bar 43 tuổi đến từ Honduras, một trong hơn 1.000 nhân viên trên tàu, kể lại. “Cảm ơn Chúa”. Chiếc tàu trọng tải 114.500 tấn này đang đi rất gần đảo Giglio và thực hiện nghi thức truyền thống lâu đời của ngành hàng hải Italy chào những cư dân trên bờ, nhưng tàu đã ở quá gần bờ đến mức nó đâm vào dãi đá ngầm vốn rất nổi tiếng ở đây. “Ai cũng biết ở đó có đá ngầm!” Một cư dân ở Giglio nói. “Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi đi qua chỗ đó bằng tàu thuyền luôn. Thuyền trưởng hẳn đã phải phạm sai lầm”. Tuy nhiên, thuyền trưởng Schettino nói trên truyền hình Italy là chiếc tàu đã đâm vào đá ngầm không có trong bản đồ hành trình.
Vụ "Titanic đệ nhị" qua lời kể của người sống sót ảnh 1
Hành khách nhốn nháo tìm đường thoát (Nguồn: EPA)
Một công tố viên nói với các phóng viên rằng tàu Costa Concordia “đã đến gần đảo Giglio một cách rất bất cẩn, đâm vào đá ngầm ở bên mạn trái, khiến tàu bị nghiên một bên và một lượng nước lớn tràn vào trong khoảng hai, ba phút”. Thủy thủ Fabio Costa mô tả lại cảnh mọi người đổ xô đi tìm tàu cứu hộ, được đặt ở vị trí cao hơn khi chiếc tàu đã nghiêng, ở một góc khoảng 80 độ so với mặt đất. “Mọi thứ bắt đầu rơi xuống và mọi người hoảng sợ và chạy khắp nơi”, Costa nói lại với hãng tin Anh BBC. Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy, được máy bay trực thăng hỗ trợ, đã có mặt tại hiện trường lúc 10g20 tối, được trợ giúp bởi hàng trăm người trên hòn đảo chỉ có 800 dân sinh sống. Chiếc tàu cứu hộ đầu tiên vào được đảo lúc 11g15 tối. Truyền thông Italy cho biết thuyền trưởng Schettino, người đã tuyên bố ông cố gắng cứu nhiều người hết mức có thể, được tìm thấy trên bờ, hoàn toàn kiệt sức, vào lúc 11g40 tối. Trong chiếc tàu du lịch khổng lồ, các nhân viên cứu hộ gặp nhiều chướng ngại như cửa bị khóa, cầu thang gẫy đổ và những đống lớn đồ đạc cản đường. Vào lúc 1g30 sáng ngày Chủ nhật, ba thi thể đã được tìm thấy, hai du khách người Pháp và một thủy thủ người Peru. Trên tàu, các nhân viên cứu hộ có thể làm việc qua đêm, nhưng thợ lặn và các chuyên gia cứu hộ dưới tầng sâu phải đợi tới bình minh mới có thể bắt đầu công việc./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục