Các nước vùng Vịnh đang đổ hàng tỷ USD vào việc mở rộng các sân bay, những vụ đầu tư đầy rủi ro với tin tưởng rằng lượng hành khách sẽ tăng cao trong thời gian tới biến vùng này thành những địa điểm trung chuyển của giao thông hàng không toàn cầu.
“Chúng tôi cố gắng đáp ứng nhu cầu. Chúng tôi không chi tiêu quá trớn”, Sheikh Ahmed bin Saeed Al-Maktoum, Chủ tịch Dubai Airports hãng hàng không đang tăng trưởng rất nhanh trong vùng Emirates Airlines, giải thích.
Tại triển lãm sân bay Dubai, ông đã nhắc lại kế hoạch chi 7,8 tỷ USD trong kế hoạch chiến lược đến năm 2020 của tập đoàn sẽ tăng công suất của sân bay quốc tế Dubai International, phi trường tấp nập nhất ở Trung Đông, từ 60 triệu hành khách lên 90 triệu vào năm 2018.
Giao thông hàng không chở khách ở Dubai đã tăng trưởng hơn gấp đôi trong bảy năm qua, từ 24,8 triệu lượt vào năm 2005 lên 50,1 triệu lượt năm 2011.
Sân bay Dubai hiện xếp hạng tư về lưu lượng hành khách quốc tế bởi được dùng làm điểm trung chuyển giữa phương tây và châu Á cũng như châu Đại dương.
Paul Griffiths, Giám đốc điều hành Dubai Airports, nói tập đoàn hiện đang hoàn tất giai đoạn ba để nâng công suất sân bay lên 75 triệu lượt hành khách. Giai đoạn ba là phần sân bay được xây riêng cho loại máy bay Airbus A380 mà Emirates là khách hàng đơn lẻ lớn nhất.
“Hoàn tất giai đoạn ba là ưu tiên của chúng tôi. Trong quý đầu năm 2013, mọi thứ sẽ sẵn sàng đưa vào vận hành”, Griffiths nói với các phóng viên.
Ngành hàng không hiện đóng góp 28% GDP cho Dubai, tương đương 22 tỷ USD.
Ở những nơi khác trong khu vực giàu dầu mỏ này, các sân bay cũng đang được mở rộng, với các nhà ga mới được dựng lên từ những đống đổ nát để tăng lượng hành khách, chủ yếu ở Qatar và tiểu vương quốc giáp Dubai, Abu Dhabi.
Những con số tại triển lãm hàng không Dubai cho thấy đến năm 2015, các sân bay Dubai, Doha và Abu Dhabi sẽ có công suất tổng cộng hàng năm 190 triệu lượt hành khách.
Sự gia tăng giao thông hàng không được thông báo trong bối cảnh Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cắt giảm lợi nhuận dự báo trong năm 2012 của ngành này do lo ngại giá nhiên liệu tăng cao vì tình hình căng thẳng ở vùng Vịnh.
Một nghiên cứu khác cho thấy vùng này hiện quá đông đúc, với nhu cầu hàng không cao hơn công suất ở mức 115-130%. Chỉ có UAE là có công suất lớn hơn nhu cầu nhờ đầu tư ở Dubai.
Sân bay Abu Dhabi, sân bay nhà của hãng hàng không đang tăng trưởng nhanh Etihad Airways, đã chứng kiến lượng hành khách tăng hơn gấp đôi trong sáu năm từ 5,3 triệu vào năm 2006 lên 12 triệu vào năm 2011.
Hiện công suất của sân bay là 12,5 triệu lượt khách mỗi năm và dự kiến sẽ tăng lên 47 triệu sau khi khu phức hợp nhà ga trung tâm hoàn tất vào năm 2017.
Qatar cũng đang xây một sân bay mới, cách sân bay hiện giờ 4 km về phía đông. Sân bay trị giá 14,5 tỷ USD này được xây trên một khu đất một nửa nhô ra biển, có công suất 24 triệu hành khách khi giai đoạn một hoàn tất năm nay và 50 triệu hành khách khi hoàn thành toàn bộ vào năm 2015.
"Chúng tôi cố gắng bắt kịp nhu cầu," Chủ tịch sân bay Dubai Sheikh Ahmed bin Saeed Al-Maktoum (phải), cho hay (Nguồn: AFP)
Sân bay cũ của Kuwait cũng đang được lên kế hoạch mở rộng với khoản đầu tư 6 tỷ USD nhằm tăng gấp đôi công suất lên mức 13 triệu hành khách vào năm 2016, theo người đứng đầu cơ quan hàng không dân dụng Fawaz al-Farah.
Hãng hàng không Kuwait Airways và hãng tư nhân Jazeera Airways hoạt động ở sân bay Kuwait hiện có lượng khách 8,5 triệu người vào năm 2011.
Saudi Arabia, chiếm phần lớn bán đảo A-rập, cũng đã lên kế hoạch chi từ 10-15 tỷ USD cho việc xây dựng và nâng cấp các sân bay từ giờ tới năm 2020.
Công suất của sân bay quốc tế King Khaled tại Riyadh hiện giờ sẽ tăng từ 14 lên 25 triệu lượt khách, trong khi một nhà ga mới được xây dựng ở sân bay tại Jeddah với mức đầu tư 7,21 tỷ USD sẽ tăng công suất từ 17 lên 30 triệu hành khách./.
Trần Trọng (Vietnam+)