WB vẫn 'bơm' gần 15 tỷ USD cho các dự án nhiên liệu hóa thạch

Mặc dù năm 2018 WB cam kết chấm dứt tài trợ cho các dự án thăm dò dầu mỏ và khí đốt, song vẫn bơm 14,8 tỷ USD cho các dự án nhiên liệu hóa thạch đầu tư gián tiếp.
WB vẫn 'bơm' gần 15 tỷ USD cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ảnh 1Than đá được trữ bên ngoài nhà máy nhiệt điện quốc gia ở Dadri, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ The Big Shift Global, sau Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn bơm 14,8 tỷ USD cho các dự án nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu.

Mặc dù năm 2018 WB cam kết chấm dứt tài trợ cho các dự án thăm dò dầu mỏ và khí đốt, song không tính các dự án đầu tư gián tiếp.

Chuyên gia Sophie Richmond của Big Shift lưu ý mỗi lần WB đầu tư vào một dự án nhiên liệu hóa thạch, ngân hàng này lại gây ra nhiều thảm họa khí hậu hơn.

[Ra mắt cơ sở dữ liệu mới về nhiên liệu hóa thạch thế giới]

Theo báo cáo của Big Shift, một trong những cách chính mà WB tiếp tục tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch là khai thác "lỗ hổng" cho vay đối với các tổ chức trung gian như ngân hàng hoặc tổ chức tài chính và đóng vai trò là bên bảo lãnh.

Với việc ký kết thỏa thuận Paris năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất không vượt quá 1,5 độ C để ngăn chặn những thảm họa trong tương lai.

Báo cáo cho biết đường ống dẫn khí đốt Trans Anatolian tại Azerbaijan, được cấp vốn vào năm 2018 với trị giá 1,1 tỷ USD, và WB đóng vai trò là bên bảo lãnh.

Một dự án khác được nhắc đến là việc xây dựng hai nhà máy than ở Indonesia mang tên là Java 9 và 10, trong đó WB cấp 65 triệu USD vốn gián tiếp, bất chấp thực tế là lưới điện Java và Bali đang dư cung 40%.

Các tác giả của báo cáo cũng phản đối quan điểm của WB về việc coi khí đốt tự nhiên như một "cầu nối" giữa nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo, đồng thời lưu ý WB thiếu sự chú ý đến các khoản đầu tư cần thiết vào năng lượng sạch.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn AFP, WB đã phản đối những phát hiện của báo cáo. Ngân hàng này cho biết trong năm tài chính 2022, WB đã cấp một khoản đầu tư kỷ lục 31,7 tỷ USD cho các dự án liên quan đến chống biến đổi khí hậu, nhằm hỗ trợ các cộng đồng trên toàn thế giới ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu và xây dựng một tương lai an toàn và bền vững hơn.

Dù vậy, một báo cáo riêng biệt được Oxfam công bố vào đầu tuần này cho rằng WB cung cấp rất ít bằng chứng về các tuyên bố liên quan đến các khoản tài chính chống biến đổi khí hậu mà ngân hàng này công bố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục