Ngày 6/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2010 (WEF Đông Á 2010). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu khai mạc Diễn đàn.
TTXVN xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng.
Thưa Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới,
Thưa các vị Lãnh đạo Chính phủ,
Thưa Quý vị,
Trước hết, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng Quý vị đã đến dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2010 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Với sự có mặt của nhiều vị lãnh đạo, quan chức chính phủ và đông đảo các học giả, doanh nghiệp hàng đầu thế giới, đây sẽ là một diễn đàn quan trọng để chúng ta trao đổi về định hướng chiến lược nhằm đưa các nền kinh tế Đông Á tiếp tục phục hồi và phát triển nhanh, bền vững thời kỳ hậu khủng hoảng.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2010 diễn ra tại Việt Nam đúng vào dịp chúng tôi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN là sự kiện có ý nghĩa quan trọng và chắc chắn sẽ đóng góp thiết thực cho quá trình hoạch định chính sách, phương hướng hợp tác ở khu vực trong những năm tới. Đây cũng là một vinh dự lớn đối với Việt Nam trong bối cảnh đất nước chúng tôi đang chuẩn bị kỷ niệm nhiều ngày lễ trọng đại, đặc biệt là Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Thưa Quý vị,
Chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á năm nay - “Nâng cao vai trò của Châu Á” - là rất phù hợp với bối cảnh hiện tại của khu vực chúng ta. Từ năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây ra những tổn thất to lớn, tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống thế giới, nhưng cũng làm bộc lộ rõ những khiếm khuyết của hệ thống kinh tế-tài chính toàn cầu cũng như của từng nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy quá trình cải cách thể chế và mô hình kinh tế nhằm bảo đảm cho sự phát triển nhanh, cân bằng và bền vững hơn.
Ở Đông Á, các nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn, nhưng đã đối phó khá hiệu quả với cuộc khủng hoảng, có tốc độ phục hồi nhanh nhất và đang trở thành một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới. Sự phục hồi nhanh đã chứng tỏ sức sống và tính năng động của các nền kinh tế Đông Á, chứng tỏ ý chí và bản lĩnh vượt qua khó khăn của chính phủ, nhân dân và doanh nghiệp các nước trong khu vực. Điều đó càng củng cố niềm tin của chúng ta rằng, trong những năm tới, Đông Á sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, năng động và đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Với quy mô kinh tế tăng nhanh, Đông Á sẽ ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn và do đó có điều kiện để tham gia ngày càng tích cực hơn vào các cơ chế hợp tác quốc tế. Vai trò toàn cầu của Đông Á đã được thể hiện qua các nước thành viên tại các cơ chế hiện nay như Liên hợp Quốc, G20, WTO v.v. Đặc biệt, với bốn thành viên và đại diện ASEAN tại G20, Đông Á có khả năng đóng góp tích cực và đáng kể cho việc kiến tạo một cấu trúc mới hiệu quả hơn, dân chủ hơn cho nền quản trị toàn cầu.
Một điều hết sức tích cực là trong bối cảnh khủng hoảng vừa qua, chúng ta đã chứng kiến hợp tác khu vực ở Đông Á có xu hướng được đẩy mạnh, thông qua nhiều cơ chế như: ASEAN+3, ASEAN+1, Cấp cao Đông Á, các cơ chế hợp tác tiểu vùng, các tam-tứ giác phát triển, và các hiệp định mậu dịch tự do đa phương hoặc song phương. ASEAN đã luôn chứng tỏ được vai trò trung tâm, vị thế chủ đạo, đóng góp hiệu quả đối với tiến trình xây dựng thể chế khu vực ở Đông Á và các thể chế liên khu vực ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Mặc dù vậy, cũng cần phải thấy rằng các nền kinh tế Đông Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn bao gồm các vấn đề toàn cầu cấp bách hiện nay như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên v.v. Với đặc điểm nổi bật là hướng ngoại, kinh tế Đông Á cũng dễ bị tổn thương trước các rủi ro kinh tế toàn cầu. Điều đó, đòi hỏi từng nền kinh tế Đông Á cần tăng cường chất lượng quản trị, đổi mới mô hình phát triển để tăng trưởng nhanh, cân bằng và bền vững, mặt khác phải dành nhiều ưu tiên hơn và tham gia nhiều hơn nữa trong hợp tác quốc tế để đối phó với các vấn đề toàn cầu. Nói cách khác, Đông Á cần phải có một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế-chính trị toàn cầu trong giai đoạn hậu khủng hoảng.
Thưa Quý vị,
Bối cảnh quốc tế của giai đoạn hậu khủng hoảng đòi hỏi các nền kinh tế Đông Á phải nhìn nhận lại các mục tiêu và ưu tiên cho giai đoạn sắp tới, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vững chắc và đóng một vai trò toàn cầu lớn hơn. Những câu hỏi lớn mà chúng ta cần tìm lời giải đáp là:
Thứ nhất, ở cấp độ quốc gia, để duy trì được tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, chúng ta cần có những điều chỉnh gì đối với mô hình phát triển hiện tại? Mô hình phát triển của Đông Á đã được thử thách và chứng tỏ sức sống qua cuộc khủng hoảng vừa qua. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ cần có nhiều điều chỉnh về chiến lược để phù hợp hơn với bối cảnh quốc tế trong giai đoạn hậu khủng hoảng.
Thứ hai, ở cấp độ khu vực, liên kết khu vực cần được thúc đẩy như thế nào để hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế và làm cơ sở cho vai trò toàn cầu ngày càng lớn hơn của Đông Á? Đông Á là khu vực gồm nhiều nước có chế độ chính trị khác nhau, có sự khác nhau đáng kể về trình độ phát triển, văn hoá, giá trị xã hội, tôn giáo,v.v. Do đó, tăng cường hợp tác khu vực phải trên nguyên tắc “thống nhất trong đa dạng”. Đây cũng chính là nguyên tắc đã phát huy hiệu quả hợp tác khu vực trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xác định được những yêu cầu, hình thức, phạm vi mới cho hợp tác khu vực, để phù hợp hơn với bối cảnh mới.
Thứ ba, ở cấp độ toàn cầu, Đông Á cần có vai trò và trách nhiệm như thế nào đối với các vấn đề chung của thế giới? Với sự chuyển dịch mạnh mẽ của cán cân quyền lực và sức mạnh kinh tế hậu khủng hoảng, vai trò và trách nhiệm toàn cầu của Đông Á trong giai đoạn mới này cần được nhận thức và đánh giá lại một cách thoả đáng. Để đảm đương được vai trò mới, to lớn hơn ở cấp độ toàn cầu, trong khi tăng cường hợp tác khu vực, Đông Á cũng cần phát huy được vai trò của mọi lực lượng từ chính phủ đến doanh nghiệp và xã hội ở khu vực, trong việc thực hiện các trách nhiệm toàn cầu ngày một lớn này. Mặt khác, Đông Á cũng cần mở rộng hợp tác với các đối tác ở khu vực khác như các diễn đàn hợp tác APEC, ASEM...
Thưa Quý vị,
Sau 25 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao bình quân 7-8%/năm trong nhiều năm; đời sống nhân dân ngày càng nâng cao; chính trị xã hội ổn định. Trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đã đối phó có hiệu quả với các tác động tiêu cực của khủng hoảng; duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao: 5,32% (2009) và dự kiến sẽ đạt khoảng 6,5% đến 7% năm nay.
Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một địa điểm đầu tư an toàn và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng nhanh trong nhiều năm qua và đóng góp rất quan trọng đối với sự thành công trong phát triển kinh tế của đất nước. Việt Nam đã có được một nền kinh tế thị trường năng động với nhiều tiềm năng phát triển to lớn và đầy hứa hẹn.
Trong những năm tới, Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để hoàn thành được mục tiêu này, chúng tôi sẽ tiếp tục đường lối Đổi Mới một cách nhất quán, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy và sử dụng hiệu quả nhất mọi nguồn lực, cả trong nước và ngoài nước để phát triển nhanh và bền vững. Với việc trở thành thành viên thứ 150 của WTO năm 2007 và tham gia hầu hết các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, Việt Nam đã thực sự hội nhập quốc tế một cách đầy đủ và sâu rộng.
Thưa Quý vị,
Bước vào thập niên thứ hai của Thế kỷ 21, vận hội mới thực sự đã tới với Đông Á, và đây là lúc Đông Á có thể tự tin gánh vác những trọng trách to lớn hơn trong quản trị toàn cầu. Chúng tôi hiểu rằng, để có thể có một vai trò lãnh đạo quan trọng và xứng đáng hơn trong hệ thống chính trị-kinh tế toàn cầu, mỗi thành viên của cộng đồng Đông Á cần nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo của mình, với tầm nhìn xa trông rộng và hành động nhạy bén, trước hết là ở tầm quốc gia và khu vực.
Chúng ta đã có những bước tiến quan trọng, nhưng con đường phía trước còn dài và đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi phải có những cách tiếp cận mới, sự sáng tạo và tư duy đột phá. Chúng tôi kỳ vọng Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á lần này sẽ đưa ra nhiều ý tưởng, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững và đều khắp của khu vực.
Nhân dịp này, tôi chân thành cảm ơn Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã lựa chọn Việt Nam làm nơi tổ chức Hội nghị về Đông Á 2010. Xin chân thành cảm ơn lãnh đạo chính phủ các nước, lãnh đạo các doanh nghiệp, và các vị đại biểu đã quan tâm và tham dự sự kiện này. Xin chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp. Chúc Quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Xin chân thành cảm ơn./.
TTXVN xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng.
Thưa Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới,
Thưa các vị Lãnh đạo Chính phủ,
Thưa Quý vị,
Trước hết, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng Quý vị đã đến dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2010 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Với sự có mặt của nhiều vị lãnh đạo, quan chức chính phủ và đông đảo các học giả, doanh nghiệp hàng đầu thế giới, đây sẽ là một diễn đàn quan trọng để chúng ta trao đổi về định hướng chiến lược nhằm đưa các nền kinh tế Đông Á tiếp tục phục hồi và phát triển nhanh, bền vững thời kỳ hậu khủng hoảng.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2010 diễn ra tại Việt Nam đúng vào dịp chúng tôi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN là sự kiện có ý nghĩa quan trọng và chắc chắn sẽ đóng góp thiết thực cho quá trình hoạch định chính sách, phương hướng hợp tác ở khu vực trong những năm tới. Đây cũng là một vinh dự lớn đối với Việt Nam trong bối cảnh đất nước chúng tôi đang chuẩn bị kỷ niệm nhiều ngày lễ trọng đại, đặc biệt là Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Thưa Quý vị,
Chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á năm nay - “Nâng cao vai trò của Châu Á” - là rất phù hợp với bối cảnh hiện tại của khu vực chúng ta. Từ năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây ra những tổn thất to lớn, tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống thế giới, nhưng cũng làm bộc lộ rõ những khiếm khuyết của hệ thống kinh tế-tài chính toàn cầu cũng như của từng nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy quá trình cải cách thể chế và mô hình kinh tế nhằm bảo đảm cho sự phát triển nhanh, cân bằng và bền vững hơn.
Ở Đông Á, các nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn, nhưng đã đối phó khá hiệu quả với cuộc khủng hoảng, có tốc độ phục hồi nhanh nhất và đang trở thành một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới. Sự phục hồi nhanh đã chứng tỏ sức sống và tính năng động của các nền kinh tế Đông Á, chứng tỏ ý chí và bản lĩnh vượt qua khó khăn của chính phủ, nhân dân và doanh nghiệp các nước trong khu vực. Điều đó càng củng cố niềm tin của chúng ta rằng, trong những năm tới, Đông Á sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, năng động và đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Với quy mô kinh tế tăng nhanh, Đông Á sẽ ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn và do đó có điều kiện để tham gia ngày càng tích cực hơn vào các cơ chế hợp tác quốc tế. Vai trò toàn cầu của Đông Á đã được thể hiện qua các nước thành viên tại các cơ chế hiện nay như Liên hợp Quốc, G20, WTO v.v. Đặc biệt, với bốn thành viên và đại diện ASEAN tại G20, Đông Á có khả năng đóng góp tích cực và đáng kể cho việc kiến tạo một cấu trúc mới hiệu quả hơn, dân chủ hơn cho nền quản trị toàn cầu.
Một điều hết sức tích cực là trong bối cảnh khủng hoảng vừa qua, chúng ta đã chứng kiến hợp tác khu vực ở Đông Á có xu hướng được đẩy mạnh, thông qua nhiều cơ chế như: ASEAN+3, ASEAN+1, Cấp cao Đông Á, các cơ chế hợp tác tiểu vùng, các tam-tứ giác phát triển, và các hiệp định mậu dịch tự do đa phương hoặc song phương. ASEAN đã luôn chứng tỏ được vai trò trung tâm, vị thế chủ đạo, đóng góp hiệu quả đối với tiến trình xây dựng thể chế khu vực ở Đông Á và các thể chế liên khu vực ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Mặc dù vậy, cũng cần phải thấy rằng các nền kinh tế Đông Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn bao gồm các vấn đề toàn cầu cấp bách hiện nay như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên v.v. Với đặc điểm nổi bật là hướng ngoại, kinh tế Đông Á cũng dễ bị tổn thương trước các rủi ro kinh tế toàn cầu. Điều đó, đòi hỏi từng nền kinh tế Đông Á cần tăng cường chất lượng quản trị, đổi mới mô hình phát triển để tăng trưởng nhanh, cân bằng và bền vững, mặt khác phải dành nhiều ưu tiên hơn và tham gia nhiều hơn nữa trong hợp tác quốc tế để đối phó với các vấn đề toàn cầu. Nói cách khác, Đông Á cần phải có một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế-chính trị toàn cầu trong giai đoạn hậu khủng hoảng.
Thưa Quý vị,
Bối cảnh quốc tế của giai đoạn hậu khủng hoảng đòi hỏi các nền kinh tế Đông Á phải nhìn nhận lại các mục tiêu và ưu tiên cho giai đoạn sắp tới, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vững chắc và đóng một vai trò toàn cầu lớn hơn. Những câu hỏi lớn mà chúng ta cần tìm lời giải đáp là:
Thứ nhất, ở cấp độ quốc gia, để duy trì được tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, chúng ta cần có những điều chỉnh gì đối với mô hình phát triển hiện tại? Mô hình phát triển của Đông Á đã được thử thách và chứng tỏ sức sống qua cuộc khủng hoảng vừa qua. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ cần có nhiều điều chỉnh về chiến lược để phù hợp hơn với bối cảnh quốc tế trong giai đoạn hậu khủng hoảng.
Thứ hai, ở cấp độ khu vực, liên kết khu vực cần được thúc đẩy như thế nào để hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế và làm cơ sở cho vai trò toàn cầu ngày càng lớn hơn của Đông Á? Đông Á là khu vực gồm nhiều nước có chế độ chính trị khác nhau, có sự khác nhau đáng kể về trình độ phát triển, văn hoá, giá trị xã hội, tôn giáo,v.v. Do đó, tăng cường hợp tác khu vực phải trên nguyên tắc “thống nhất trong đa dạng”. Đây cũng chính là nguyên tắc đã phát huy hiệu quả hợp tác khu vực trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xác định được những yêu cầu, hình thức, phạm vi mới cho hợp tác khu vực, để phù hợp hơn với bối cảnh mới.
Thứ ba, ở cấp độ toàn cầu, Đông Á cần có vai trò và trách nhiệm như thế nào đối với các vấn đề chung của thế giới? Với sự chuyển dịch mạnh mẽ của cán cân quyền lực và sức mạnh kinh tế hậu khủng hoảng, vai trò và trách nhiệm toàn cầu của Đông Á trong giai đoạn mới này cần được nhận thức và đánh giá lại một cách thoả đáng. Để đảm đương được vai trò mới, to lớn hơn ở cấp độ toàn cầu, trong khi tăng cường hợp tác khu vực, Đông Á cũng cần phát huy được vai trò của mọi lực lượng từ chính phủ đến doanh nghiệp và xã hội ở khu vực, trong việc thực hiện các trách nhiệm toàn cầu ngày một lớn này. Mặt khác, Đông Á cũng cần mở rộng hợp tác với các đối tác ở khu vực khác như các diễn đàn hợp tác APEC, ASEM...
Thưa Quý vị,
Sau 25 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao bình quân 7-8%/năm trong nhiều năm; đời sống nhân dân ngày càng nâng cao; chính trị xã hội ổn định. Trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đã đối phó có hiệu quả với các tác động tiêu cực của khủng hoảng; duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao: 5,32% (2009) và dự kiến sẽ đạt khoảng 6,5% đến 7% năm nay.
Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một địa điểm đầu tư an toàn và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng nhanh trong nhiều năm qua và đóng góp rất quan trọng đối với sự thành công trong phát triển kinh tế của đất nước. Việt Nam đã có được một nền kinh tế thị trường năng động với nhiều tiềm năng phát triển to lớn và đầy hứa hẹn.
Trong những năm tới, Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để hoàn thành được mục tiêu này, chúng tôi sẽ tiếp tục đường lối Đổi Mới một cách nhất quán, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy và sử dụng hiệu quả nhất mọi nguồn lực, cả trong nước và ngoài nước để phát triển nhanh và bền vững. Với việc trở thành thành viên thứ 150 của WTO năm 2007 và tham gia hầu hết các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, Việt Nam đã thực sự hội nhập quốc tế một cách đầy đủ và sâu rộng.
Thưa Quý vị,
Bước vào thập niên thứ hai của Thế kỷ 21, vận hội mới thực sự đã tới với Đông Á, và đây là lúc Đông Á có thể tự tin gánh vác những trọng trách to lớn hơn trong quản trị toàn cầu. Chúng tôi hiểu rằng, để có thể có một vai trò lãnh đạo quan trọng và xứng đáng hơn trong hệ thống chính trị-kinh tế toàn cầu, mỗi thành viên của cộng đồng Đông Á cần nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo của mình, với tầm nhìn xa trông rộng và hành động nhạy bén, trước hết là ở tầm quốc gia và khu vực.
Chúng ta đã có những bước tiến quan trọng, nhưng con đường phía trước còn dài và đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi phải có những cách tiếp cận mới, sự sáng tạo và tư duy đột phá. Chúng tôi kỳ vọng Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á lần này sẽ đưa ra nhiều ý tưởng, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững và đều khắp của khu vực.
Nhân dịp này, tôi chân thành cảm ơn Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã lựa chọn Việt Nam làm nơi tổ chức Hội nghị về Đông Á 2010. Xin chân thành cảm ơn lãnh đạo chính phủ các nước, lãnh đạo các doanh nghiệp, và các vị đại biểu đã quan tâm và tham dự sự kiện này. Xin chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp. Chúc Quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Xin chân thành cảm ơn./.
(TTXVN/Vietnam+)