World Cup Nữ 2023: Phạt góc - vũ khí lợi hại của Tuyển Nữ Thụy Điển

Dù biết đối thủ rất mạnh trong các tình huống cố định và đã cố gắng phòng ngự, nhưng hàng thủ của Italy vẫn không thể ngăn chặn được các pha làm bàn hiểm hóc của tuyển nữ Thụy Điển.
World Cup Nữ 2023: Phạt góc - vũ khí lợi hại của Tuyển Nữ Thụy Điển ảnh 1Pha tranh bóng giữa Johanna Rytting-Kaneryd (số 19) của Thụy Điển với Arianna Caruso (trái) của tuyển Italy trong trận đấu. (Ảnh: THX/TTXVN)

Một trong những lý do Đội Tuyển nữ Hà Lan quyết giành ngôi đầu bảng E World Cup Nữ 2023 là để tránh chạm trán Thụy Điển tại vòng 1/8, bởi đội Tuyển nữ của quốc gia Bắc Âu được mệnh danh là "nữ hoàng" phạt góc của giải đấu này.

Nếu có trận đấu nào chứng minh tầm quan trọng của đá phạt góc thì có lẽ đó là màn so tài giữa nữ Thụy Điển và Italy hôm 29/7 vừa qua.

Thụy Điển chịu sức ép lớn trong 20 phút đầu trận đấu. Tuy nhiên, hết hiệp 1, các học trò của Huấn luyện viên Peter Gerhardsson đã dẫn trước 3-0, sau đó khép lại trận đấu với chiến thắng giòn giã 5-0.

Khác biệt rõ rệt nhất chính là biết cách tận dụng cơ hội trong những tình huống cố định. Có tới 3/4 bàn thắng của Thụy Điển ở cuối hiệp một, đầu hiệp hai đến từ những quả phạt góc từ bên cánh phải, với những cú đá cứa lòng chân trái đưa bóng cuộn vào trong của Jonna Andersson.

Hậu vệ 30 tuổi này tuy không mạnh về phòng ngự nhưng là một chuyên gia tạt bóng.

Ở hiệp một của trận đấu, cú đá phạt góc phút thứ 39 đưa bóng hoàn hảo đến đầu của cầu thủ Amanda Ilestedt ở gần cột dọc là minh chứng cho khả năng tạt bóng của Anderson. Phút 44, cô thực hiện một quả tạt tương tự cho Ilestedt.

Lần này thủ quân Bonansea đã tranh chấp quyết liệt, nhưng trái bóng bật ra đã được Fridolina Rolfo dứt điểm thành bàn.

Bước sang đầu hiệp hai, Đội Tuyển nữ Italy tiếp tục chật vật trước những quả tạt khủng khiếp của Andersson cho Ilestedt.

Quả đầu tiên bị Bonansea phá ra biên ngang chịu phạt góc, nhưng đến tình huống phạt góc, Anderson lại đưa trái bóng lần nữa cho Ilestedt, để trung vệ này hoàn tất cú đúp và đó là bàn thứ 3 của cô sau 2 trận (trận đấu trước Thụy Điển gặp Nam Phi).

[Thụy Điển đối đầu Canada ở chung kết bóng đá nữ Olympic Tokyo]

Những cú đá phạt góc hiểm hóc đã trở thành vũ khí lợi hại của Tuyển nữ Thụy Điển ở kỳ World Cup này.

Anderson áp dụng "bí kíp" này lần đầu ở trận gặp Nam Phi ở Wellington, khiến trái bóng đi chỉ cao hơn xà ngang một chút và chạm nóc lưới.

Trong khi đó, "người hùng" Ilestedt chia sẻ: "Dù không nghĩ mình có thể ghi 3 bàn, nhưng đó là một trong những điểm mạnh của tôi, và tôi đã tập luyện rất nhiều."

Trên thực tế, các nữ cầu thủ Italy dù biết đối thủ rất mạnh trong các tình huống cố định và cũng đã cố gắng phòng ngự, nhưng hàng thủ của họ vẫn không thể ngăn chặn được các pha làm bàn hiểm hóc của Tuyển nữ Thụy Điển.

Khả năng không chiến của Thụy Điển không chỉ đến từ các trung phong hay hậu vệ. Ngay cả những cầu thủ như cầu thủ chạy cánh trái Rolfo hay hậu vệ phải Nathalie Bjorn cũng chơi bóng bổng rất xuất sắc.

Một ngày trước mỗi trận đấu, Huấn luyện viên Peter Gerhardsson gần như chỉ tập tình huống cố định.

Việc Gerardsson chọn thủ thành Zecira Musovic (1m80) hơn Jennifer Falk (1m71) cũng là vì lý do này. Musovic làm chủ không gian tốt hơn, hóa giải bóng bổng ổn hơn.

Bàn ấn định tỷ số 5-0 trước tuyển Italy được Rebecka ghi sau tình huống phản công đến từ một pha phạt góc không thành công

Ở World Cup 2023, một số cầu thủ có xu hướng sút bóng thẳng từ chấm phạt góc vào lưới đối phương. Katie McCabe ghi bàn với một cú đá như thế, và đội trưởng Ireland thậm chí còn ăn mừng trước cả khi trái bóng dội xà ngang và bật vào trong.

Cách đá này không mới mẻ, bởi thống kê của Opta cho thấy các giải bóng đá nữ có tỷ lệ đá phạt góc cuộn vào trong cao hơn là các giải đấu của nam. Đơn cử như con số này ở giải Frauen-Bundesliga lên tới 75%, gấp rưỡi so với Bundesliga (50%).

Ở kỳ World Cup này, Thụy Điển thể hiện rõ nhất xu hướng trên. Cả 19 quả phạt góc của họ đều được thực hiện cuộn vào trong, với chân trái của Anderson ở những quả phạt góc bên cánh phải, và chân trái của Kosovare Asllani ở những quả phạt góc bên cánh trái.

Chủ nhà Australia thậm chí còn áp dụng như vậy với cả 20 quả phạt góc, và mang về một bàn thắng.

Sở dĩ xu hướng đá này thịnh hành vì các cầu thủ tấn công muốn khai thác chiều cao khiêm tốn của các thủ môn nữ so với chiều cao khung thành 2m44, cũng như khả năng bao quát khu vực 5m50./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục