Xác định sản xuất thông minh trên nền tảng mạng 5G là cốt lõi

Một số báo cáo cho biết chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Hơn nữa, tỷ lệ doanh nghiệp có bộ phận R&D trong các ngành sản xuất là rất thấp.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn. (Ảnh: Vietnam+)
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn. (Ảnh: Vietnam+)

Nghị quyết số 29-NQ/TW xác định công nghiệp công nghệ số là một trong sáu ngành công nghiệp nền tảng, trong đó sản xuất thông minh trên nền tảng mạng 5G là cốt lõi.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, nhấn mạnh nội dung trên tại Hội thảo chuyên đề 1: “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Vietnam,” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023, ngày 14/6.

Dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến

Nghiên cứu từ Tập đoàn Ericsson đã đưa ra dự báo vào năm 2025 khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ thu hút 2/3 nhà sản xuất toàn cầu, trong đó dẫn đầu thuộc về các ngành sản xuất thông minh. Hiện tại, bảy quốc gia trong khu vực gồm Australia, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore và Thái Lan đã triển khai sản xuất những thiết bị công nghệ thông minh 5G. Bên cạnh đó, Ericsson đánh giá Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn với doanh thu từ công nghiệp 5G ước đạt 1,54 tỷ USD vào năm 2030.

Một báo cáo khác của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) về công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số cũng xếp Việt Nam trong nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số, trong số 40 nền kinh tế chủ động theo đuổi công nghiệp 4.0. Trong đó, nhập khẩu thiết bị và công nghệ số của Việt Nam đứng thứ 15, xuất khẩu công nghệ đứng thứ 46 và hoạt động sáng chế đứng thứ 48/150 nền kinh tế.

[Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Công nghiệp 4.0]

Tuy nhiên, nghiên cứu của Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, chỉ ra trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam: 70% sản phẩm được tạo ra sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công và chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn (như robot, sản xuất đắp lớp 3D).

Ngoài ra, báo cáo của Tổ chức nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp của khối thịnh vượng chung (CSIRO) và Bộ Khoa học và Công nghệ, cho thấy chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Hơn nữa, tỷ lệ doanh nghiệp có bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) trong các ngành sản xuất là rất thấp (như ngành sản xuất thiết bị điện 17%, ngành sản xuất hóa chất 15%, ngành sản xuất chế biến thực phẩm 9%, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%, ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan 6%, ngành dệt may 5%.)

Từ thực tiễn đó, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhìn nhận: “Có thể thấy phát triển sản xuất thông minh ở Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội khó khăn và thách thức đan xen.”

Nghị quyết đầu tiên về công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Trong bối cảnh đó, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho biết đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nghị quyết 29 xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng là nền tảng nên những bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Từ đó, thực hiện chuyển đổi số được toàn diện, thực chất, hiệu quả và bền vững. Trong đó, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho việc xây dựng những cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đã đề ra.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà quản lý đã trao đổi, thảo luận về một số vấn đề, như thúc đẩy chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng “Make in Vietnam”; đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam; phát triển, làm chủ công nghệ sản xuất, đẩy mạnh R&D; phát triển công nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái nội dung số tại Việt Nam; các chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang sản xuất thông minh, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số.

Bà Phan Thị Thanh Ngọc, Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số, Công ty Công nghệ thông tin VNPT, cho rằng phát triển công nghệ công nghệ số nhanh và bền vững cần có sự kết hợp giữa tự cường và hợp tác quốc tế, có sự kết hợp giữa nhà nước mạnh và thị trường mạnh. cùng với đó, doanh nghiệp công nghệ số phải là trung tâm, lấy chất lượng và thương hiệu Make in Việt Nam làm nền tảng, nhân lực tài năng là then chốt. từ góc nhìn của doanh nghiệp.

Xác định sản xuất thông minh trên nền tảng mạng 5G là cốt lõi ảnh 1Hội thảo chuyên đề 1: Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Vietnam.  (Ảnh: CTv/Vietnam+)

Trên cơ sở đó, bà Ngọc đưa ra 5 đề xuất về chính sách phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam, gồm chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ số Make in Vietnam; chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ số Make in Vietnam; xúc tiến, thúc đẩy nhu cầu; thu hút vốn đầu tư FDI và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.

Cụ thể hơn, bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA nhấn mạnh Chính phủ có thể làm gì để hỗ trợ để các doanh nghiệp công nghệ số sản xuất các sản phẩm Make in Vietnam. Theo bà, các nhà quản lý xây dựng chính sách phải coi việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia là trách nhiệm chung của cả Chính phủ. Trên cơ sở đó, các đơn vị trung gian kết nối và các tổ chức, cá nhân cần có ý thức và trách nhiệm đóng góp dữ liệu.

Bên cạnh đó, bà Thúy kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp công nghệ được phép kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia theo những tiêu chuẩn được chính phủ quy định, để tránh việc độc quyền kết nối để đa dạng dữ liệu.

“Chính phủ cần cho phép doanh nghiệp và người dân khi thỏa mãn điều kiện được phép khai thác vì dữ liệu chỉ có giá trị khi được khai thác,” bà Thúy nói.

Tại sự kiện, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn khẳng định những đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Vietnam đồng thời giúp Việt Nam chủ động tiếp cận, hấp thụ và ứng dụng công nghệ số, công nghệ tự động hóa vào sản xuất. Do đó, tất cả những điều đó cũng sẽ góp phần giúp Việt Nam bắt kịp với xu thế phát triển chung của thế giới và khu vực, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế./.

Xác định sản xuất thông minh trên nền tảng mạng 5G là cốt lõi ảnh 2 Tỷ lệ doanh nghiệp có bộ phận R&D trong các ngành sản xuất là rất thấp, như ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan 6% và ngành dệt may là 5%. (Ảnh: Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục