Xác định thuế GTGT với hoạt động chế tác vàng, bạc

Tổng cục Thuế ra Công văn số 323 /TCT-CS hướng dẫn xác định thuế giá trị gia tăng đối với các hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc.
Tổng cục Thuế vừa có Công văn số 323 /TCT-CS hướng dẫn cục thuế tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp thực hiện việc xác định thuế giá trị gia tăng đối với các hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc.

Theo đó, số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân với thuế suất áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ đó. Giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ được xác định bằng giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ bán ra trừ đi giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ mua vào tương ứng.

Giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ bán ra là giá thực tế bán ghi trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng, không phân biệt đã thu tiền hay chưa thu được tiền.

Còn giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ mua vào được xác định bằng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc nhập khẩu, đã có thuế giá trị gia tăng dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng bán ra tương ứng.

Tổng cục Thuế cho rằng hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ cũng thuộc hoạt động kinh doanh vàng. Từ ngày 1/3/2012, hoạt động chế tác vàng, đồ trang sức thuộc đối tượng áp dụng thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp.

Với trường hợp doanh nghiệp vừa có hoạt động chế tác vàng, đồ trang sức đồng thời mua bán kinh doanh vàng, đồ trang sức, đến thời điểm 1/3/2012 chưa khấu trừ hết thuế giá trị gia tăng đầu vào thì kể từ ngày 1/3/2012, doanh nghiệp đó thuộc đối tượng kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên số thuế giá trị gia tăng đầu vào của tài sản cố định, máy móc, thiết bị dùng cho hoạt động chế tác thì doanh nghiệp được hoàn thuế hoặc bù trừ với số thuế phải nộp của tháng sau.

Số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ của hàng hóa còn tồn kho (nguyên vật liệu nhập khẩu chưa đưa vào chế tác hoặc đã đưa chế tác nhưng sản phẩm còn tồn kho) từ trước ngày 1/3/2012 chuyển sang thì được tính vào giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ mua vào dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp bán ra khi xác định giá trị gia tăng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục