Với đường bờ biển dài, nhiều eo vịnh, đảo, nước ta có tiềm năng to lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển. Tuy nhiên thực tế cho thấy, quy mô nghề nuôi biển ở nước ta phần lớn là manh mún nhỏ lẻ, diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Thực tế này đòi hỏi cần phải có sự thay đổi.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến chủ đề “Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển: Cơ hội và thách thức” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 16/8 tại Hà Nội.
Tiềm năng phát triển nuôi biển lớn
Chia sẻ về tiềm năng nuôi biển của Việt Nam, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: “Việt Nam có 3.260 km bờ biển và 1 triệu km mặt biển, chúng tôi đánh giá có khoảng 500.000 ha mặt nước có thể nuôi biển được, nghĩa là tiềm năng nuôi biển về mặt diện tích là rất lớn.”
Việt Nam có rất nhiều vùng, địa phương có thể phát triển nuôi biển, chia thành 4 vùng chính: Vùng phía Bắc, nơi các cửa sông, cửa biển có thể phát triển nuôi cá, nhuyễn thể, giáp xác; vùng Duyên hải Miền trung có thể nuôi cá biển quy mô lớn, sản lượng lớn; vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nam Bộ. Đối tượng nuôi cũng khá phong phú, đa dạng từ các loại cá đến các loại nhuyễn thể (ngao, sò, hàu…), giáp xác (tôm hùm…), rong biển cũng đang có nhiều tiềm năng lớn để phát triển.
[Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển phải tích hợp đa giá trị]
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cũng đánh giá Việt Nam có nhiều thuận lợi, có thể khai thác nghề nuôi biển không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nhiều khó khăn, điều đầu tiên là quy mô sản xuất, 99% số trại nuôi trên biển là quy mô hộ gia đình nên sản xuất phải lo từ cá giống, lồng bè, dịch bệnh, bán cá… Điều này khiến rủi ro đổ lên đầu người nuôi cá, nếu không may bị bão gây thiệt hại thì các hộ bị thiệt hại nặng và phải lại làm lại.
“Khó khăn thứ 2 là phương thức, do quy mô hộ gia đình nên sức đầu tư vào trại nhỏ, mức độ cơ giới hóa, các tiến bộ kỹ thuật yếu, phần lớn các bè nuôi thủ công, tận dụng các vật liệu, trong đó có vật liệu có thể gây hại môi trường. Thứ 3 là vấn đề hệ thống, các chuỗi nuôi biển đang manh nha nhưng nhỏ, chưa có sự kết nối.Việc cung cấp cá giống cho bà con, thức ăn công nghiệp, bè nuôi không ai kiểm định khiến rủi ro cho người nuôi phải chịu,” ông Nguyễn Hữu Dũng cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, mặc dù các bè nuôi của bà con trị giá từ hàng tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng nhưng đối với Nhà nước, ngân hàng không công nhận đó là tài sản. Vì không có cơ quan nào xác định, đánh giá để các cơ quan định giá là tài sản cho bà con có thể vay vốn hay tiếp cận bảo hiểm, các chính sách, hỗ trợ của nhà nước.
“Mức độ tiếp cận chính sách, thực hiện chính sách khó. Luật Thủy Sản năm 2017 việc giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân làm hoạt động nuôi trồng chưa được thực hiện hiệu quả. Luật có hiệu lực từ đầu năm 2019 nhưng chưa có cơ quan nào được giao biển và giao biển đủ dài để nuôi trồng lâu dài,” ông Nguyễn Hữu Dũng nói.
Kết hợp nuôi biển với du lịch
Bàn về các giải pháp thúc đẩy nuôi biển bền vững, ông Trần Công Khôi nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước thời gian qua rất quan tâm đến vấn đề nuôi biển, chủ trương là giảm khai thác tăng nuôi, trong đó tập trung vào nuôi biển vì nuôi nội địa đã ở mức trần.”
Về chế tài, nghề nuôi biển đã được đưa vào Luật Thủy Sản năm 2017 và các nghị định hướng dẫn. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 208/QĐ-TTg phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Theo ông Trần Công Khôi, chính sách cơ bản đã có và thực tế các địa phương cũng đang tiến hành cùng các tổ chức đơn vị cá nhân chuyển đổi nghề cho bà con khai thác ven bờ.
“Với tiềm năng khai thác biển từ 3,9-4 triệu tấn thì chúng ta đã khai thác đạt 3,6 triệu tấn, đã đến gần sát ngưỡng nên việc giảm khai thác ven bờ là tất yếu và không gì có thể thay thế nó bằng nuôi trồng thủy sản mang tính cộng đồng,” ông Trần Công Khôi cho hay.
Hiện nay, Việt Nam đang có những mô hình nuôi trồng thủy sản mang tính cộng đồng rất hiệu quả như trồng rong, rong câu, rong sụn hay các mô hình nuôi thủy sản cộng đồng tại Phú Yên, Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang. Những mô hình này phát triển theo phương thức đồng quản lý, vừa quản lý khai thác ven bờ, vừa chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân, giúp các hoạt động khai thác tận diệt ven bờ được giảm thiểu.
Đặc biệt, các mô hình phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với nuôi biển đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, khuyến khích phát triển nuôi biển. Ông Trần Công Khôi mong muốn Việt Nam sẽ có các “thành phố nuôi trên biển” là điểm du lịch hấp dẫn, ở đó các lồng bè xếp đều nhau như một thành phố trên biển. Để làm được điều này, các tỉnh cần sớm có giải pháp phát triển hài hòa du lịch và nuôi thủy sản biển.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của các mô hình tạo đầu ra cho sản phẩm biển, ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhận định các mô hình khuyến nông hướng tới liên kết với các hợp tác xã để hình thành các chuỗi liên kết, kỹ thuật đã có nhưng đầu ra cho các sản phẩm rất quan trọng. Do đó, thời gian tới cần phát triển các mô hình nuôi biển gắn với du lịch như ở Vân Phong (Khánh Hòa), Phất Cờ (Quảng Ninh), để nuôi trồng gắn với tiêu thụ sản phẩm để có hiệu quả nhất.
Ông Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng cần phát triển du lịch cộng đồng ở các vùng nuôi biển. Với phương châm tích hợp nhiều ngành kinh tế biển khác nhau vào với nhau thì chắc chắn trong tương lai không xa sẽ có ngành kinh tế biển phát triển bền vững và hiệu quả./.