Xây dựng phương án tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp giai đoạn mới

Trong 3.135 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ bảo đảm chi thường xuyên trở lên, mới có gần 300 đơn vị bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, chiếm tỷ lệ 0,6%.
Xây dựng phương án tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp giai đoạn mới ảnh 1Ông Nguyễn Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính. (Ảnh: BTC/Vietnam+)

Trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, lộ trình, tiến độ, những vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính đang là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn và thảo luận.

Ngày 11/11, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tập huấn về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập là vấn đề được Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm và đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt mục tiêu.

Cung cấp số liệu mới nhất về kết quả thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW sau 5 năm (từ năm 2017-2021), ông Giang cho hay mới có 3.135 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ bảo đảm chi thường xuyên trở lên. Trong đó, cả hệ thống có gần 300 đơn vị bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, chiếm tỷ lệ 0,6% và hơn 2.800 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, chiếm tỷ lệ 6%. Theo ông Giang, kết quả trên chưa đạt mục tiêu đề ra là đến năm 2021 có 10% đơn vị tự chủ tài chính.

[Quốc hội quyết nghị tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ 1/7/2023]

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính chung, có hiệu lực thi hành ngay đối với tất cả các lĩnh vực nhằm đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Để thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 56/2022/TT-BTC (ngày 16/9) hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính, xử lý tài sản - tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo ông Giang, Nghị định 60/2021 ra đời tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập phát huy tính chủ động, nâng cao hiệu quả sử dụng nhân lực, tài sản, tài chính của Nhà nước và thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công, giảm sự phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước đồng thời cải thiện nâng cao thu nhập cho người lao động.

“Nghị định này có thể coi là cơ sở pháp lý mang tính đột phá so với các quy định trước đây vì giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập về tổ chức bộ máy, biên chế nhân sự, tài chính,” ông Nguyễn Trường Giang nói. 

“Đây là hội nghị mà Lãnh đạo Bộ Tài chính xác định là rất quan trọng và có ý nghĩa trong bối cảnh các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng phương án tự chủ tài chính lần đầu giai đoạn 2023-2025 theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Thông tư số 56/2022/TT-BT,” ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Sau Hội nghị tại Hà Nội, ngay trong tháng 11/2022, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tại miền Trung (ngày 18/11/2022) và miền Nam (ngày 25/11/2022) để tập huấn cho các đại biểu thuộc Sở Tài chính tại 2 miền Trung và miền Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục