Xây dựng VTV thành tập đoàn truyền thông mạnh

Để trở thành tập đoàn truyền thông mạnh, Thủ tướng chỉ đạo VTV xây dựng chiến lược phát triển Đài theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Ngày 7/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã đến dự Lễ khánh thành Trung tâm sản xuất chương trình bước 1-giai đoạn 1 (phần xây dựng) của Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Đây là công trình có ý nghĩa lớn đối với Đài Truyền hình Việt Nam và hệ thống truyền hình cả nước, đúng vào dịp kỷ niệm 66 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945- 2/9/2011) và 41 năm ngày phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên (7/9/1970-7/9/2011).

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Đài Truyền hình Việt Nam là một cơ quan báo chí đi đầu trong việc đổi mới cơ chế tài chính, lao động tiền lương, tạo động lực cho Đài phát triển với tốc độ nhanh và góp phần quan trọng vào quá trình nghiên cứu, đổi mới công tác quản lý báo chí nói chung, phát thanh-truyền hình nói riêng trong tình hình mới.

Từ chỗ ngân sách Nhà nước phải bao cấp toàn bộ, đến nay, Đài đã tự cân đối được các khoản chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Đây là sự nỗ lực rất lớn của tập thể lãnh đạo và cán bộ, viên chức Đài Truyền hình Việt Nam .

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ trong thời đại bùng nổ thông tin như ngày nay, việc tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ của Đài Truyền hình Việt Nam là hết sức cần thiết. Dự án Trung tâm sản xuất chương trình thuộc Đài Truyền hình Việt Nam được Chính phủ đầu tư từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản là một công trình hiện đại với dây chuyền sản xuất chương trình truyền hình cùng các thiết bị tiên tiến, đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngang tầm với khu vực và trên thế giới.

Công trình này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với Đài Truyền hình Việt Nam nhằm tạo điều kiện để Đài từng bước đổi mới và hiện đại hóa công nghệ truyền hình, đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực vượt khó của Đài Truyền hình Việt Nam và sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành liên quan trong quá trình thực hiện bước 1, giai đoạn 1 của dự án Trung tâm sản xuất chương trình; bày tỏ sự cảm ơn đối với Chính phủ Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JICA) đã giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để dự án được hoàn thành.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc hoàn thành, đưa vào sử dụng Trung tâm sản xuất chương trình mới chỉ là bước đầu trong quá trình Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ truyền hình theo hướng tiên tiến, hiện đại, xứng với tầm vóc của một Đài Truyền hình quốc gia.

Thủ tướng tin tưởng việc đưa vào sử dụng công trình này sẽ tạo tiền đề và trở thành động lực để Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục phấn đấu bằng sự nỗ lực của mình, sớm xây dựng Đài Truyền hình Việt Nam trở thành một tập đoàn truyền thông mạnh, có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Để trở thành một tập đoàn truyền thông mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam sớm xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển Đài đến năm 2015 và 2020 theo hướng chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của hệ thống truyền hình cả nước, với xu thế hội tụ truyền thông-viễn thông-công nghệ thông tin trên thế giới và đáp ứng những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng nước ta.

Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng chính trị, văn hóa, khoa học, nghệ thuật và hình thức thể hiện các chương trình truyền hình, đảm bảo để thông tin của Đài truyền hình quốc gia kịp thời nhất, chuẩn xác nhất, hàm lượng thông tin cao nhất và có khả năng chi phối, định hướng thông tin trong xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam cần phấn đấu trở thành đơn vị dẫn đầu ngành truyền hình cả nước về đổi mới, hiện đại hóa công nghệ truyền hình ở tất cả các khâu...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhanh nhạy tiếp cận với thông tin mới, công nghệ truyền hình mới mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, nhạy cảm và tỉnh táo trong xử lý thông tin và đưa thông tin. Mọi thông tin của Đài truyền hình quốc gia phải xuất phát từ lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi của đại đa số nhân dân và phải tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, sự gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện và phát huy lợi thế của cơ chế tự chủ tài chính, lao động, tiền lương nhằm tạo ra những động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của mình, tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và để cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên phát huy sáng tạo, đề cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và toàn xã hội, kiên quyết không để mặt trái của cơ chế thị trường chi phối làm ảnh hưởng đến vị thế và uy tín của Đài quốc gia - cơ quan thuộc Chính phủ.

Dự án Trung tâm sản xuất chương trình Đài Truyền hình Việt Nam được khởi công xây dựng từ năm 2006. Quy mô xây dựng của công trình là gần 100.000m2 sàn với chiều cao tòa nhà là 28 tầng, một giàn ăngten, tổ hợp 17 trường quay thu hình và 1 trường quay thu nhạc, hệ thống các trung tâm kỹ thuật, thời sự, kỹ thuật phụ trợ phục vụ sản xuất chương trình.

Tổng vốn đầu tư toàn dự án khoảng 385 triệu USD, được chia làm 2 giai đoạn và mỗi giai đoạn được chia làm các bước khác nhau. Giai đoạn 1 đã hoàn thành phần xây dựng, kiến trúc tòa nhà Trung tâm sản xuất chương trình với diện tích 32.000m2; các hệ thống kỹ thuật phụ trợ như điện lạnh, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy… nhằm phục vụ cho tổ hợp gồm 9 trường quay thu hình và 1 trường quay thu nhạc.

Với công nghệ hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, trung tâm sản xuất chương trình mới sẽ tạo điều kiện tác nghiệp tốt nhất cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tại VTV, qua đó mang đến cho công chúng những sản phẩm ngày một tốt hơn, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh nhấn mạnh./.

Thiện Thuật (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục