Xuất khẩu 2012: Áp lực mục tiêu vượt 100 tỷ USD

Năm 2012, trong khi kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, mục tiêu lần đầu tiên giá trị xuất khẩu vượt ngưỡng 100 tỷ USD sẽ là áp lực không nhỏ.
Năm 2011, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, nhất là sự suy giảm kinh tế tại nhiều nước châu Âu và xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng tinh vi, phức tạp, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt 96,3 tỷ đô la Mỹ, tăng 33,3% so với 2010.

Năm nay có thêm hai mặt hàng là túi xách, va li, mũ, ô dù và sản phẩm từ sắt thép có kim ngạch trên 1 tỷ USD, đưa các mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD lên con số 23 mặt hàng.

Trao đổi với Vietnam+, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, thành tích vượt trội của năm nay đã tạo ra một áp lực không nhỏ cho ngành công thương khi triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới.

- Thưa Thứ trưởng, kim ngạch xuất khẩu được ghi nhận như một điểm nổi bật của kinh tế Việt Nam trong năm 2011, điều này sẽ tạo ra những thuận lợi và khó khăn gì cho ngành công thương trong năm tới?

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên: Năm 2011, dự kiến xuất khẩu chúng ta sẽ đạt khoảng 96,3 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 33% so với năm trước, tăng hơn 3 lần so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đây là điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Thành tích này là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các thành phần kinh tế của doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài và cũng nhờ sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương, trong đó Bộ Công Thương là đơn vị đầu mối tham mưu cho Chính phủ và cũng là cơ quan trực tiếp triển khai việc xuất khẩu.

Có thể thấy, nhiều mặt hàng trong năm nay chúng ta đã đạt được kết quả xuất khẩu tốt cả về số lượng cũng như giá trị, nhiều thị trường có mức tăng trưởng rất tốt như EU, Nhật Bản, Hàn QUốc, Trung Quốc, Châu Phi, Tây Nam Á...

Nhờ có tăng trưởng xuất khẩu này chúng ta tạo ra được động lực cho tăng trưởng kinh tế, giúp cho Chính phủ bình ổn những yêu cầu về kinh tế vĩ mô, tạo ra nguồn ngoại tệ quý giá để mà cân bằng thu hẹp chênh lệch thương mại, giúp cho tỷ giá đồng tiền Việt Nam ổn định.

Trong năm 2012, tình hình kinh tế khu vực thế giới còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Những nền kinh tế mà chúng tôi kỳ vọng sẽ phục hồi sau suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính sau 2008-2009. Hoặc những nền kinh tế có tín hiệu phát triển hoặc có động thái tích cực thì hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Tình hình nợ công ở châu Âu và khu vực đồng tiền chung Euro đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với xuất khẩu Việt Nam. Nếu mà những diễn biến khu vực châu Âu không được cải thiện thì xuất khẩu Việt Nam vào thị trường này sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang quan ngại khủng hoảng nợ công châu Âu có thể sẽ tác động đến các khu vực khác như là châu Mỹ và một số nước châu Á, vì vậy chúng tôi phải trao đổi rất kỹ với các bộ ngành hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp để có những dự báo chính xác.

Điều này cũng tạo ra một áp lực không nhỏ cho việc triển khai các nhiệm vụ năm 2012, mặc dù hiện nay Chính phủ giao cho ngành công thương phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 13% so với năm 2011 không phải là cao nhưng con số tuyệt đối lần đầu tiên sẽ đưa xuất khẩu của Việt Nam vượt ngưỡng 100 tỷ USD.

- Vậy việc điều hành xuất khẩu của Bộ Công Thương sẽ ưu tiên những vấn đề gì thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên: Có thể thấy, tình hình thị trường diễn biến rất nhanh và phức tạp, đòi hỏi có sự phản ứng linh hoạt. Nhiều mặt hàng trước đây chúng ta kỳ vọng có lợi thế thì hiện nay cũng đang gặp những vấn đề cần xử lý gấp.

Đơn cử mặt hàng lúa gạo, cách đây một tháng xuất khẩu đạt giá trị rất cao, nhu cầu rất lớn, giá gạo trên khu vực và thế giới rất cao do ảnh hưởng của lũ lụt Thái Lan và chính sách mua gạo của Chính phủ mới Thái Lan.

Nhưng hiện nay, tình hình đã ngược lại, lượng gạo bán ra của Ấn Độ, Pakistan đang làm cho giá gạo không những không tăng mà lại giảm, điều này cũng kéo giá lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam đi xuống khiến lượng doanh nghiệp đăng ký hợp đồng hiện nay cũng rất thấp.

Điều này cũng đặt ra vấn đề điều hành xuất khẩu gạo thế nào, trong đó khâu mà chúng ta tổ chức thị trường ngoài nước trong năm 2012 sẽ phải thực hiện ra sao để đảm bảo yêu cầu tiêu thụ hết lúa hàng hóa, đảm bảo được lợi ích của người nông dân cũng như doanh nghiệp và tăng hiệu quả việc xuất khẩu gạo, mặt khác cũng phải bảo đảm an ninh lương thực...

Tuy năm 2011 Việt Nam xuất khẩu được khoảng 7 triệu tấn gạo, là sản lượng kỷ lục, nhưng năm 2012 khó khăn đặt ra đối với việc xuất khẩu gạo nói riêng, cũng như đối với hàng hóa Việt Nam nói chung rất là lớn.

Tương tự đối với nhiều mặt hàng khác, tình hình cũng có những thay đổi rất nhanh, đòi hỏi sự nhanh nhạy tiếp cận một cách linh hoạt của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, trong đó có sự đồng thuận của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Thông qua Hội nghị tham tán thương mại vừa được Bộ Công Thương tổ chức trong tháng 12/2011, chúng tôi đã bàn thêm về chiến lược thị trường, định hướng cơ chế điều hành xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng chủ lực mà Việt Nam cần phải triển khai sớm trong năm tới.

Trong đó, lãnh đạo Bộ Công Thương muốn trao đổi với các tham tán cụ thể về những cơ hội và thách thức trong năm 2012 để hỗ trợ doanh nghiệp có khâu chuẩn bị tốt hơn, sao cho ngay từ những tháng cuối năm này, Việt Nam đã có những đơn hàng gối đầu cho những chuyến giao hàng đầu năm 2012 và sau Tết Nguyên đán bắt tay vào “chiến dịch” mới.

- Những chính sách xuất khẩu trên sẽ hỗ trợ như thế nào trong việc giảm nhập siêu trong thời gian tới thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên: Trong năm 2011, xuất khẩu tăng 33% nhưng nhập khẩu chỉ tăng trưởng  24,7%, tương đương 105,77 tỷ USD, nhập siêu ước tính là 9,52 tỷ USD, bằng 9,89% kim ngạch xuất khẩu thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là 18%, so với chỉ tiêu Chính phủ giao là 16%, đây cũng là mức nhập siêu thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Thực hiện nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm cắt giảm đầu tư, thắt chặt chi tiêu do vậy nhu cầu nhập khẩu cũng giảm. Tuy nhiên thu hẹp khoảng cách giữa nhập khẩu và xuất khẩu này cũng tạo thuận lợi rất lớn cho chúng ta để bình ổn kinh tế vĩ mô.

Có những thị trường chúng ta đã có cải thiện rất lớn, ví dụ như đối với Trung Quốc, mười một tháng Việt Nam đã xuất khẩu trên 9,5 tỷ đô la vào thị trường này và có mức tăng trưởng xấp xỉ 60% trong khi đó nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ có tăng trưởng xấp xỉ 25%.

Như vậy chúng ta đang có xu hướng thu hẹp chênh lệch thương mại với nhiều đối tác trong đó có những đối tác chúng ta đã nhập siêu lớn trong thời gian qua. Trong năm 2012 chúng ta sẽ tiếp tục duy trì được xuất nhập khẩu theo hướng như thế này để giảm nhập siêu.

Bên cạnh đó, sẽ rà soát cơ cấu đầu tư, tiếp tục nghiên cứu những chính sách khuyến khích hơn nữa việc đầu tư sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa thay thế nhập khẩu. Hạn chế đầu tư vào khu vực phi sản xuất, đôn đốc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, công ty nhà nước đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động các công trình, dự án sản xuất hàng thay thế nhập khẩu.

Bộ Công Thương cũng xem xét xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hạn chế nhập khẩu các hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân, tăng cường nghiên cứu áp dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ giá để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất trong nước, phù hợp với các nguyên tắc của WTO.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục