Ngày 27/6, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040.
Hồ Thác Bà, nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái, là một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, được hình thành khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà.
Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 19/12/2018.
Về ranh giới, Khu Du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà phía Tây Bắc giáp Quốc lộ 70; phía Tây Nam giáp thị trấn Yên Bình; phía Đông Bắc giáp đường tỉnh 170; phía Đông Nam giáp Quốc lộ 2D và thị trấn Thác Bà.
Quy mô lập quy hoạch khoảng 53.001ha, thuộc địa phận huyện Yên Bình và huyện Lục Yên, trong đó, địa phận huyện Yên Bình có diện tích khoảng 42.977ha, địa phận huyện Lục Yên với diện tích khoảng 10.023ha.
Theo nhiệm vụ quy hoạch, phạm vi lập quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040 có tổng diện tích khoảng 53.000ha (bao gồm diện tích hồ Thác Bà khoảng 16.000ha và diện tích đất liền bao quanh hồ khoảng 37.800ha).
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia hồ Thác Bà được thực hiện nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Yên Bái và các quy hoạch khác có liên quan nhằm phát triển hồ Thác Bà trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa truyền thống và hệ sinh thái lòng hồ.
[Khám phá "vịnh Hạ Long trên núi cao" của vùng Tây Bắc]
Đồ án hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển Khu Du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà trở thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước; phấn đấu đến năm 2040, toàn Khu Du lịch Quốc gia hồ Thác Bà trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.
Về tính chất, Khu Du lịch Hồ Thác Bà là khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với giá trị văn hóa dân tộc và hệ sinh thái lòng hồ Thác Bà; là một trong những trung tâm du lịch cấp quốc gia với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu; có sản phẩm du lịch chủ đạo và hình thành thương hiệu cho khu du lịch.
Khu du lịch cũng là vùng bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa đặc thù của quốc gia; vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia; vùng bảo đảm an ninh năng lượng, cấp nước, thủy lợi cho vùng Đồng bằng sông Hồng.
Về dự báo quy mô dân số Khu Du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, đến năm 2030, dân số khoảng 165.000 người, tốc độ tăng dân số trung bình khoảng 1,91%/năm; đến năm 2040 khoảng 210.000 người, tốc độ tăng dân số trung bình khoảng 1,55%/năm.
Đối với quy mô khách du lịch, đến năm 2030 đạt khoảng 1,5 triệu lượt khách; đến năm 2040, đạt khoảng 4,5 triệu lượt khách.
Về quy mô đất xây dựng, đến năm 2040, nhu cầu đất xây dựng các khu chức năng khoảng 11.890ha, trong đó đất phát triển du lịch, dịch vụ khoảng 1.896ha.
Hai cửa ngõ gồm khu vực xã Tân Nguyên nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai qua nút IC14, liên kết các khu trung tâm du lịch Liễu Đô-Vĩnh Lạc và Phúc Ninh-Mỹ Gia; Khu vực thị trấn Yên Bình nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai qua nút IC12, liên kết các trung tâm du lịch Tân Hương-Đại Đồng, Linh Sơn-Cao Biền và thị trấn Thác Bà.
Hai hành lang gồm Hành lang phát triển du lịch kết nối từ cửa ngõ Tân Nguyên chạy dọc phía Tây khu du lịch qua đô thị Cảm Ân, trung tâm du lịch Tân Hương-Đại Đông đến thị trấn Yên Bình; hành lang sinh thái phát triển du lịch xanh, thân thiện, gắn liền với sự đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái.
Khu Du lịch Quốc gia hồ Thác Bà có 4 trọng điểm phát triển đô thị gắn với sự phát triển các đô thi, trong đó có 2 đô thị hiện hữu là thị trấn Thác Bà, thị trấn Yên Bình và 2 đô thị mới là đô thị Cảm Ân, đô thị Cảm Nhân; 4 trọng điểm phát triển du lịch bao gồm các trung tâm Liễu Đô-Vĩnh Lạc, trung tâm Phúc Ninh-Mỹ Gia, trung tâm Linh Sơn-Cao Biền, trung tâm Tân Hương-Đại Đồng…/.