Cứu doanh nghiệp: Cần thêm giải pháp để kích cầu?

Theo tiến sỹ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, hiện khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tập trung ở 3 vấn đề, đó là nợ thuế, thiếu vốn và đầu ra.

Bởi vậy, khi doanh nghiệp đang “sống dở chết dở,” những biện pháp giảm, giãn thuế chỉ giúp phần nào tháo gỡ khó khăn, phao cứu sinh quan trọng nhất là giải pháp tăng sức mua...
Có cái nhìn tích cực về nhóm giải pháp “cứu” doanh nghiệp Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ cách đây ít ngày nhưng theo nhiều chuyên gia, một trong những điều quan trọng hiện nay với doanh nghiệp là hàng tồn kho tăng do nhu cầu tiêu dùng giảm. Bởi thế, ngoài việc giảm, giãn thuế, giải pháp giúp tăng sức mua sẽ là phao cứu sinh của nhiều doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn.

Thiết thực là giảm chứ không chỉ giãn thuế, phí

Theo tiến sỹ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, hiện khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tập trung ở 3 vấn đề, đó là nợ thuế, thiếu vốn và đầu ra. Bởi thế, trong 5 nhóm giải pháp của Bộ Tài chính gồm điều hành vĩ mô, chi tiêu công, thuế - phí, điều hành giá – trợ cấp và cải cách thủ tục hành chính thuế, ông Long cho rằng, giải pháp thuế-phí là thiết thực nhất.

“Đây là 1 trong những nguồn chi phí đầu vào có ý nghĩa hết sức quan trọng , miễn giảm thuế và phí sẽ giúp giảm khó khăn cho doanh nghiệp,” ông Long nói.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay khi doanh nghiệp đang “sống dở chết dở”, những biện pháp giảm, giãn thuế chỉ là một phần nhỏ giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cùng quan điểm này, ông Cao Sỹ Kiêm, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, nhóm giải pháp vừa được đưa ra thể hiện sự quan tâm tới cộng đồng doanh nghiệp. Thế nhưng, ông Kiêm cho rằng, còn một số vấn đề cần quan tâm.

Ông Kiêm cho rằng, nhóm giải pháp vừa đưa ra thực tế chỉ giải quyết một số vấn đề. Khoản 4.000 tỷ đồng miễn thuế cho doanh nghiệp hay 1.000 tỷ đồng cho thủy lợi có tác dụng thực sự còn khoản 16.000 tỷ đồng giãn thuế thực chất vẫn thu hồi.

“Những doanh nghiệp yếu kém triền miên thì có thể để vậy nhưng doanh nghiệp chỉ do khó khăn chung, không trực tiếp gây ra thiệt hại thì nên cứu. Khi họ gượng lại thì có thể phát triển đi lên, cơ sở vật chất không bị lãng phí, người lao động mới có việc làm,” ông Kiêm đưa ra ý kiến.
 
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng giảm thuế sẽ thực sự có ý nghĩa bởi nếu chỉ giãn, giá thành sẽ không hạ nhiều để tạo sức mua cho người dân mà thậm chí tới cuối năm có thể tăng lên một chút.

Phao cứu sinh: Kích cầu mua, giải cứu tồn kho

Theo ông Long, cứu doanh nghiệp phải từ cả hai phía, đầu vào và đầu ra. Trong tình hình hàng tồn kho như hiện nay, chỉ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào thì chưa đủ mà quan trọng nữa là phải kích cầu tiêu dùng.

Tiến sỹ Ngô Trí Long cho rằng, có thể kích cầu bằng nhiều cách như tăng nhu nhập cho người dân, giảm thuế thu nhập hay khuyến khích cho vay. “Đây là điều kiện để tạo sự thông thoáng cho thị trường, tránh áp lực tồn kho của doanh nghiệp,” ông Long nhận định.

Đồng ý với những giải pháp về kích cầu của tiến sỹ Ngô Trí Long, ông Cao Sỹ Kiêm bổ sung, cơ quan chức năng có thể tích cực hướng dẫn tiêu dùng để tạo thêm đà tăng của sức mua. Ngoài ra, thông qua những biện pháp như nâng cao an sinh xã hội, phụ cấp hay ưu đãi nông thôn, đầu ra của doanh nghiệp sẽ có nhiều điều kiện hơn.

Nói thêm, ông Kiêm cho rằng, một việc khác cần làm bây giờ là hạ lãi suất làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được vốn. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ý lo ngại rằng lãi suất hiện phụ thuộc vào lạm phát. Nếu giảm quá nhanh thì người dân sẽ không gửi tiền, như thế thanh khoản ngân hàng sẽ càng khó khăn. Vì thế, theo ông Kiêm, cần thêm những giải pháp như thế gói hỗ trợ mới thực sự đồng bộ.

Bổ sung thêm, ông Long cho rằng, dù với biện pháp nào thì cũng chỉ là mang tính chất ngắn hạn, về lâu dài, việc tháo gỡ khó khăn phải do tự thân doanh nghiệp xác định, chủ động.

Trong giai đoạn khó, Nhà nước  chung tay hỗ trợ giảm chi phí đầu vào và giảm áp lực thiếu vốn cho doanh nghiệp," tuy nhiên, mấu chốt là sự vận động tích cực của doanh nghiệp trong chiến lược sản phẩm kinh doanh, biện pháp khuyến mãi, tuyên truyền, giải pháp đầu tư công nghệ...để có thể tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục