Đưa du lịch Quảng Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho rằng tỉnh phải tăng cường xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Bình, xây dựng Quảng Bình trở thành điểm đến du lịch của cả nước và quốc tế.
Đưa du lịch Quảng Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ảnh 1Ông Hoàng Đăng Quang. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sau khi được bầu giữ chức danh Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Hoàng Đăng Quang đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Phóng viên TTXVN. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Thưa đồng chí, tổng kết 5 năm về phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội ở tỉnh, điều gì làm cho đồng chí quan tâm và trăn trở nhất?

Ông Hoàng Đăng Quang: Nhìn lại 5 năm (2010-2015), mặc dù Quảng Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Song, đến nay, Quảng Bình vẫn là một tỉnh nghèo, chậm phát triển so với nhiều tỉnh trong khu vực và cả nước. Đó là điều quan tâm, trăn trở không chỉ đối với cá nhân tôi mà còn đối với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.

Trong điều kiện của một tỉnh có nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp, nội lực hạn chế, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được đánh thức, chưa thu hút đươc các dự án lớn, có tính động lực, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài chưa thực sự có hiệu quả.

Có thể nói, đây là những nút thắt trong quá trình phát triển của tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) đã phân tích, chỉ rõ điều đó và đã có những quyết sách mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Quảng Bình có truyền thống là vùng đất cách mạng, vùng đất được Bác Hồ phong tặng danh hiệu “Hai giỏi,” con người Quảng Bình cần cù, chịu thương, chịu khó, giàu lòng hiếu khách, là vùng đất có tính vượt trội về các tiềm năng, lợi thế về rừng núi, đồng bằng, biển cả, hội đủ các yếu tố về đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng biển, cảng hàng không.

Đặc biệt, lợi thế về du lịch, cả về du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch hang động có tính đặc sắc, vượt trội. Quảng Bình có Phong Nha Kẻ Bàng - Di sản thiên nhiên thế giới đã hai lần được UNESCO công nhận, với hàng trăm hang động đẹp nổi tiếng, hàng ngàn điều bí ẩn để du khách khám phá.

Hang động Sơn Đoòng nổi tiếng làm cho cả thế giới phải ngưỡng mộ, thu hút không ít doanh nhân giàu có và du khách thế giới tìm đến để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí, kỳ vĩ. Có thể nói, đó là những lợi thế quan trọng để Quảng Bình thu hút đầu tư những dự án lớn, chất lượng, có ưu thế cạnh tranh, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế.

Ngoài sự nỗ lực và quyết tâm rất cao của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, Quảng Bình rất cần sự quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Thông điệp xin gửi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước hãy đến với Quảng Bình. Tỉnh tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách và môi trường để các nhà đầu tư cùng đồng hành với Quảng Bình. Quảng Bình sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, các du khách trong nước và quốc tế.

- Trong 5 năm tới, định hướng phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của Quảng Bình là gì, thưa đồng chí?

Ông Hoàng Đăng Quang: Định hướng phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của Quảng Bình trong 5 năm tới đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh, quyết tâm phấn đấu đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

Đại hội đã đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp một cách toàn diện trên các lĩnh vực; trong đó xác định phát triển công nghiệp là ngành trọng điểm mang tính động lực phát triển của nền kinh tế; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là hướng phát triển chủ đạo của tỉnh trong 5 năm tới. Đồng thời, tỉnh đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và tăng cường liên kết vùng; tích cực thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; tăng cường quản lý và khai thác có hiệu quả các tiềm năng về đất đai, khoáng sản.

Quảng Bình tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho sự phát triển trong thời kỳ mới. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các dự án lớn, có tính động lực và các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Đây là giải pháp có tính cấp bách, đặc biệt quan trọng để tạo được cú hích cho toàn bộ nền kinh tế.

Một yếu tố rất quan trọng là phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng, có trách nhiệm cao, tận tâm, tận lực với công việc, có tư duy đổi mới, năng động sáng tạo, nhất là người đứng đầu các ngành, lĩnh vực trọng yếu, quan trọng; đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Đây là giải pháp có tính đột phá trong công tác xây dựng Đảng, là yếu tố quan trọng để đẩy nhanh sự phát triển.

- Trong nhiệm kỳ này, Quảng Bình tiếp tục phát huy được lợi thế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vậy Quảng Bình sẽ làm gì để đạt được mục tiêu này, thưa đồng chí?

Ông Hoàng Đăng Quang: Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, trước hết cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt "Quy hoạch tổng thể Phát triển Du lịch Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025."

Điều cần tập trung và quan tâm là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình, sản phẩm du lịch; mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh Tiểu vùng sông Mekong mở rộng để phát triển du lịch.

Tỉnh xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể trên tất cả các mặt của 4 trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, Nhật Lệ-Bảo Ninh, Vũng Chùa-Đảo Yến, nghỉ dưỡng Bang và du lịch văn hóa, tâm linh phía Nam của tỉnh.

Quảng Bình tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đảm bảo đồng bộ để phục vụ yêu cầu phát triển du lịch; hiện đại hóa mạng lưới giao thông công cộng tại các khu, điểm du lịch; nâng cao chất lượng các loại hình vận tải, khai thác có hiệu quả cảng Hòn La, sân bay Đồng Hới, mở rộng một số đường bay quốc tế để phát triển du lịch.

Vấn đề quan trọng là phải tạo môi trường đầu tư thuận lợi, xây dựng được các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực của xã hội để thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.

Đồng thời, huy động các nguồn lực xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển, chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch từng bước đáp ứng tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao.

Để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên, đòi hỏi trước hết phải tăng cường xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Bình, xây dựng Quảng Bình trở thành điểm đến du lịch của cả nước và quốc tế; đặc biệt phát huy giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trong xây dựng thương hiệu, điểm đến của du lịch tỉnh nhà.

Tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị tài nguyên du lịch nổi bật của Quảng Bình để người dân tự hào và đồng hành cùng chính quyền địa phương và ngành du lịch. Tỉnh tiếp tục chú trọng xây dựng nâng cao vị thế và thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Bình với phương châm “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch.”

- Trong vai trò và cương vị mới Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, đồng chí muốn gửi gắm điều gì với nhân dân Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung?

Ông Hoàng Đăng Quang: Đoàn kết là sức mạnh. Tôi mong muốn mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, dù ở cương vị công tác nào, đều phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tập trung trí tuệ và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, nói đi đôi với làm, tăng cường đoàn kết, tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, truyền thống quê hương Quảng Bình “Hai giỏi,” nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, đồng sức, chung lòng quyết tâm đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

Tôi cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của các tỉnh bạn trong cả nước và bạn bè quốc tế, sự hợp tác đồng hành của các nhà đầu tư đối với nhân dân Quảng Bình để Quảng Bình cùng với cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục