Giới chức Mỹ không kỳ vọng vào tiến triển đàm phán TPP

Phát ngôn viên Nhà Trắng John Earnest cho biết không nên quá kỳ vọng về những tiến triển trong đàm phán TPP trong khuôn khổ công du châu Á sắp tới của ông Obama.
Giới chức Mỹ không kỳ vọng vào tiến triển đàm phán TPP ảnh 1Phát ngôn viên Nhà Trắng John Earnest. (Nguồn: AP)

Phát ngôn viên Nhà Trắng John Earnest nhấn mạnh không nên quá kỳ vọng về những tiến triển trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong khuôn khổ chuyến công du châu Á sắp tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Phát biểu với báo giới ngày 6/11, phát ngôn viên Nhà Trắng John Earnest cho biết sau các vòng đàm phán, mặc dù đã ghi nhận nhiều tiến triển, song giữa các bên vẫn tồn tại nhiều bất đồng cần phải giải quyết. Đây là lý do khiến Nhà Trắng thận trọng với khả năng đạt được một thỏa thuận nào đó liên quan tới TPP trong chuyến công du châu Á của Tổng thống Obama tới.

Trước đó, hồi tháng Sáu vừa qua, Tổng thống Obama bày tỏ hy vọng các nhà đàm phán Nhật Bản và Mỹ có thể thống nhất được lập trường trong lĩnh vực nông sản vào tháng 11 này.

Trong khi đó, các nguồn tin chính thức ngày 5/11 cho biết bộ trưởng thương mại các nước tham gia đàm phán TPP sẽ nhóm họp tại Đại sứ quan Mỹ tại Bắc Kinh vào ngày 8/11 tới bên lề cuộc họp thường niên của APEC.

Trước đó, tuyên bố chung của vòng đàm phán ngày 25-27/10 tại Sydney, Australia khẳng định đàm phán đã đạt được "tiến triển đáng kể" đồng thời cho biết một thỏa thuận "đang được hình thành."

Tuy nhiên, giới chuyên gia hiện ngày càng hoài nghi về khả năng ký kết hiệp định toàn diện TPP sau khi vẫn còn nhiều trở ngại trong các vòng đàm phán, đặc biệt khi các nước tham gia lần lượt bỏ lỡ 3 thời hạn kết thúc đàm phán và hạn chót năm 2014 có nguy cơ tiếp tục bị bỏ lỡ.

Đàm phán TPP bắt đầu từ năm 2005, nay đã có 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Tuy nhiên, hiệp định khu vực quan trọng nay lại thiếu sự góp mặt của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các chuyên gia ước tính khi TPP được ký kết, hiệp định này sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

Trong số các nút thắt của đàm phán TPP, bất đồng giữa Nhật Bản và Mỹ về thuế quan là một trong những khúc mắc lớn nhất. Trở ngại cụ thể mà hai bên đang đối diện là thuế suất của Nhật Bản đánh vào các mặt hàng nông sản nhạy cảm như gạo, lúa mỳ, thịt bò, thịt lợn, sữa và đường; các biện pháp bảo hộ mà Tokyo muốn áp dụng đối với thịt bò, thịt lợn một khi lượng nhập khẩu tăng lên do tác động của TPP. Ngoài ra, Nhật Bản và Mỹ tiếp tục chật vật tìm kiếm sự đồng thuận về các vấn đề trong lĩnh vực thương mại ôtô.

Về chuyến công du châu Á của Tổng thống Obama, nhân dịp đến Bắc Kinh (Trung Quốc) tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tới từ ngày 10/11, ông chủ Nhà Trắng sẽ có buổi hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi bay sang Australia tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Sau đó, từ ngày 12-14/11, ông chủ Nhà Trắng sẽ tới Myanmar dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Tại đây, ông Obama sẽ có buổi hội đàm song phương với Tổng thống nước chủ nhà U Thein Sein cũng như tiếp lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi tại Yangon ngày 14/11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục