Với chủ đề “Định hình tương lai thông qua hợp tác châu Á-Thái Bình Dương,” Hội nghị cấp cao diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 và các hội nghị liên quan dự kiến diễn ra trong các ngày 10-11/11 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, đẩy mạnh sáng tạo, cải cách và phát triển kinh tế, trong bối cảnh hiện có những lo ngại về đà phục hồi trì trệ của kinh tế toàn cầu.
Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận ba vấn đề: Kết nối nội khối; Hình thành FTAAP và các nội dung hợp tác kinh tế-thương mại mới. Hội nghị này dự kiến sẽ thông qua 15 văn kiện, trong đó có Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo cấp cao và Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng. Đồng thời, hội nghị cùng nhìn lại những thành tựu đạt được sau 25 năm hợp tác và định hướng phát triển trong thời gian tới.
Ngày 5/11, Hội nghị các quan chức cấp cao (SOM) APEC đã chính thức khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh, mở đầu cho chuỗi sự kiện trong Tuần hội nghị cấp cao APEC diễn ra từ ngày 5 đến 11/11.
Hội nghị SOM diễn ra trong 2 ngày dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông, Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao APEC năm 2014.
Mục đích của hội nghị là nhằm chuẩn bị cho các sự kiện sắp tới của APEC, trong đó có Hội nghị bộ trưởng APEC, Hội nghị thượng đỉnh các Tổng Giám đốc (APEC CEO), Đối thoại Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC với các nhà lãnh đạo và Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 22 (AELM), diễn ra trong hai ngày 10-11/11 tới.
Theo kế hoạch, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ chủ trì hội nghị AELM, có sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ngoài ra, nước chủ nhà Trung Quốc cũng tổ chức một cuộc đối thoại về tăng cường kết nối vào ngày 8/11.
Chương trình nghị sự của hội nghị dự kiến sẽ thảo luận việc thúc đẩy quan hệ thương mại nhằm tăng cường hội nhập khu vực mạnh mẽ hơn, trong đó đáng chú ý là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo các nhà quan sát, tâm điểm của hội nghị lần này vẫn là các cuộc đàm phán thương mại tự do liên quan đến TPP. Hiện có 12 quốc gia tham gia đàm phán hiệp định này, trong đó có Nhật Bản và Mỹ song không có Trung Quốc.
TPP sẽ tạo lập một khu vực thương mại tự do chiếm tới gần 40% GDP toàn cầu và giữ vai trò quan trọng về mặt chính trị trong chính sách của Tổng thống Mỹ Barack Obama chuyển trục sang châu Á. Quốc vụ khanh Nhật Bản phụ trách việc đàm phán TPP, Akira Amari, và Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman dự định sẽ nối lại các cuộc thương thảo bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC.
Tuần trước, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman cho biết Mỹ không trông chờ sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng về TPP tại Hội nghị thượng đỉnh APEC lần này. Triển vọng kết thúc các cuộc đàm phán TPP vẫn chưa chắc chắn, do việc Mỹ và Nhật Bản chưa đạt được sự nhất trí về thuế và thương mại ô tô đang cản trở các cuộc đàm phán giữa 12 nước.
Bên cạnh đó, hội nghị lần này dự kiến sẽ thảo luận việc hiện thực hóa ý tưởng tạo lập khu vực thương mại tự do mới có tên gọi là Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) mà Bắc Kinh đang thúc đẩy rất mạnh. Để đối trọng với TPP và thể hiện vai trò dẫn đầu trong các hội nghị của APEC, Trung Quốc đang xúc tiến ý tưởng tạo lập FTAAP và kêu gọi các lãnh đạo APEC ra cam kết thành lập khu vực này vào năm 2025.
Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho hay các nhà lãnh đạo APEC có thể sẽ nhất trí một lộ trình để thúc đẩy các nỗ lực nhằm tiến tới tạo lập FTAAP. Tuy nhiên, thời hạn có thể bị đẩy lùi dần so với tuyên bố, do Mỹ và các đồng minh, trong đó có Nhật Bản, vẫn muốn ưu tiên cho TPP và các cuộc đàm phán đang tiếp diễn khác.
Sáu năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới dần hồi phục. Mặc dù các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục được coi là trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu song Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) Sri Mulyani Indrawati cho rằng đà tăng trưởng vẫn còn khiêm tốn và tồn tại nhiều thách thức hơn dự tính như giá hàng hoá giảm, dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi, khủng hoảng Ukraine và bất ổn liên quan tới lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng…
Còn theo nhà kinh tế Matthew Goodman thuộc Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế tại Washington, Hội nghị APEC lần này được hy vọng có thể đạt được nhiều kết quả nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực lớn hơn. Trung Quốc đã đưa ra một số lĩnh vực để hội nghị lần này tập trung vào thảo luận và giải quyết, bao gồm thương mại, hội nhập đầu tư, đổi mới, tăng trưởng toàn diện và kết nối. Theo ông Goodman, những nỗ lực trên sẽ giúp phát triển kinh tế và kết nối khu vực.
Trong số đề xuất của Trung Quốc tại hội nghị lần này đáng chú ý có việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) sẽ có nhiệm vụ tài trợ cho cơ sở hạ tầng trong khu vực, và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 nhằm đẩy mạnh kết nối và thương mại thông qua Biển Đông. Theo ông Goodman, đề xuất thành lập AIIB của Trung Quốc là dễ hiểu vì nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng trong khu vực rất lớn và Trung Quốc có thể giúp thu hẹp khoảng cách tài chính trong khu vực...
Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục vững, các chuyên gia nhận định hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đánh dấu mốc hợp tác sau 25 năm của APEC – giữ vai trò là động lực chính đối với tăng trưởng kinh tế thế giới với nhiều nền kinh tế lớn là thành viên.
Mục tiêu tự do hóa, thuận tiện hóa thương mại - đầu tư và hợp tác kinh tế kỹ thuật được cụ thể hóa trong Tuyên bố Bogo giúp thúc đẩy kinh tế khu vực tăng trưởng nhanh chóng. Mức thuế quan bình quân trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã giảm 12 điểm phần trăm, tổng kim ngạch thương mại tăng gấp 8 lần, gần 200 dự án hợp tác thực chất thuộc 30 lĩnh vực được triển khai mỗi năm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của APEC đã tăng mạnh từ 2,5 tỷ USD năm 1994 lên 10,6 tỷ USD năm 2011.
Tuy vậy, APEC cần tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong 25 năm tới vì sự hợp tác giữa các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể là một giải pháp để ứng phó với các vấn đề cấp thiết hiện nay như môi trường, tài nguyên thiên nhiên và những khó khăn ở quy mô toàn cầu. Để vượt qua thách thức này, các nền kinh tế APEC cần có các biện pháp cả đơn lẻ và đồng bộ với sự đồng thuận cao.
APEC được thành lập năm 1989 và hiện có 21 nền kinh tế thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Đặc khu hành chính Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.
APEC chiếm 40% dân số thế giới, hơn 50% GDP toàn cầu và 44% thương mại thế giới. Kể từ năm 1989 đến nay, thu nhập bình quân đầu người của các nước APEC đã tăng gấp ba lần từ mức khoảng 5.000 USD lên hơn 15.000 USD.
Trong khi đó, số người sống với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày của khu vực cũng giảm từ mức xấp xỉ 1,2 tỷ người xuống còn 412 triệu người./.