Hải quân Anh sẵn sàng "tấn công tên lửa" vào Syria

Giới truyền thông đưa tin Hải quân Vương quốc Anh đang trong tư thế sẵn sàng "tấn công tên lửa" vào các mục tiêu tại Syria.
Báo The Guardian số ra ngày 27/8 đưa tin căn cứ quân sự Akrotiri của Anh ở đảo Síp đã tăng cường hoạt động của các máy bay quân sự. Trước đó, giới truyền thông đưa tin Hải quân Vương quốc Anh đang trong tư thế sẵn sàng "tấn công tên lửa" vào các mục tiêu Syria.

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, phi công lái máy bay thương mại làm việc thường xuyên trong khu vực tiết lộ với phóng viên The Guardian rằng họ quan sát thấy những chuyến bay của máy bay vận tải quân sự Hercules. Ngoài ra, trên màn hình radar ghi nhận "nhóm máy bay chiến đấu" mà họ cho rằng "đã cất cánh từ Châu Âu". Người dân địa phương cũng xác nhận rằng trong hai ngày qua, các chuyến bay trong khu vực xuất hiện nhiều hơn so với bình thường.

Theo báo trên, đây là tín hiệu tăng cường chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự chống chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong năm 2011, căn cứ Akrotiri, được duy trì như chủ quyền của London sau khi Síp độc lập, đã đóng vai trò trung tâm phối hợp, điều khiển sự can thiệp quân sự vào Libya.

Cùng ngày, giới truyền thông khu vực đưa tin trong cuộc họp tại thủ đô Amman, các nước phương Tây và Arập đã đạt được sự nhất trí về hành động quân sự chống Syria, mở đường cho các cuộc tấn công tên lửa hạn chế, sớm nhất là trong tuần này.

Một quan chức quân đội Jordan cho biết cuộc họp cấp cao trên đã "quyết định rằng nếu cộng đồng quốc tế buộc phải hành động ở Syria, phản ứng trách nhiệm nhất và có thể duy trì sẽ là tấn công tên lửa hạn chế."

[Nguy cơ Mỹ can thiệp quân sự vào Syria đã cận kề?]

Tuy lãnh đạo quân đội đến từ 10 nước từ chối đặt thời điểm cho các cuộc tấn công như đã đề xuất, song các bên tham gia cuộc họp nhất trí chuẩn bị hành động quân sự ngay trong tuần này. Bên cạnh các cuộc tấn công tên lửa, các bên còn cân nhắc một chiến dịch trên không nhằm vô hiệu hóa không quân Syria và thiết lập vùng cấm bay. Bất cứ hành động quân sự nào đều phải được các nguyên thủ quốc gia thông qua.

Theo các nguồn tin ngoại giao, trước đó, các bên đã bị chia rẽ về cách phản ứng, với việc Mỹ và Arập Xêút ủng hộ các cuộc tấn công tên lửa giới hạn trong khi Anh và Pháp muốn can thiệp quy mô lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục