Hàn Quốc: Số lượng gia đình đa văn hóa tăng mạnh

Bộ Hành chính công và An ninh Hàn Quốc ngày 8/5 cho biết trong năm học 2012-2013 có rất nhiều trẻ em gia đình đa văn hóa đến tuổi đi học.
Bộ Hành chính công và An ninh Hàn Quốc ngày 8/5 cho biết trong năm học 2012-2013 đã có rất nhiều trẻ em gia đình đa văn hóa (bố Hàn Quốc, mẹ là người Đông Nam Á) đã bắt đầu đến trường.

Bên cạnh đó, hiện cũng có khoảng 200 người thanh niên của những gia đình đa văn hóa đầu tiên ở Hàn Quốc đã tham gia phục vụ trong quân đội nước này.

Theo thống kê của Bộ trên, số lượng trẻ em ở độ tuổi đến trường thuộc các gia đình đa văn hóa có mẹ là người Việt Nam, Philippines và một số nước khác đã tăng 32% (từ 1.700 trẻ năm 2011 lên đến 2.250 trẻ năm 2012).

Số lượng này dự kiến sẽ tăng lên ngưỡng 9.000 em trong vòng 5 năm tới. Bên cạnh đó, số lượng trẻ em có mẹ là người Việt Nam đã tăng gần gấp 2 lần từ 436 trẻ (năm 2011) lên 909 trẻ (năm 2012)) và vẫn còn tiếp tục tăng nữa.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng trẻ em gia đình đa văn hóa tăng nhanh là do số lượng các đám cưới có yếu tố nước ngoài tăng mạnh kể từ năm 2004.

Do đàn ông Hàn Quốc sống ở các vùng nông thôn thường gặp khó khăn trong việc tìm người bạn đời ở địa phương, thường tìm chọn và kết hôn với phụ nữ dân tộc thiểu số Hàn Quốc ở Trung Quốc. Ngày nay, những người này đã “mở rộng” việc tìm kiếm “một nửa của mình” sang cả các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Theo Lee Sang-lim thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề sức khỏe và xã hội Hàn Quốc (KIHSA) thì “Vào thời điểm hiện tại, số lượng trẻ em gia đình đa văn hóa ở độ tuổi đến trường có mẹ là người Trung Quốc đang đứng đầu danh sách. Tuy nhiên, trong 3 năm tới, sẽ lại là các em bé có mẹ là người Việt Nam”.

Hiện có một thực tế là các bà mẹ người Trung Quốc thường nói tiếng Hàn rất tốt, ngược lại các bà mẹ đến từ các quốc gia Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines...) lại chỉ biết chút ít.

Điều này chính là yếu tố dẫn đến việc trẻ em gia đình đa văn hóa học tiếng Hàn rất chậm. Bên cạnh đó, số trẻ em này cũng có nguy cơ đi học chậm do hoàn cảnh kinh tế của gia đình khó khăn và không có cơ hội tiếp cận các gói học bổng tư nhân./.

Anh Nguyên/Seoul (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục