Hơn 241.100 tỷ đồng vốn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh

Ngành ngân hàng TP. HCM sẽ tổ chức thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong năm 2017 với 15 thương hiệu ngân hàng tham gia đăng ký hơn 241.100 tỷ đồng.
Hơn 241.100 tỷ đồng vốn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Trần Việt/TTXVN)

Ngày 17/1, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2017 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hành Nhà nước, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành ngân hàng thành phố sẽ tổ chức thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong năm 2017, với 15 thương hiệu ngân hàng tham gia đăng ký hơn 241.100 tỷ đồng.

Trong năm 2017, ngành ngân hàng thành phố sẽ đưa lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ không quá 7%/năm; trung dài hạn từ 8-10%.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình kết nối cấp thành phố theo chuyên đề, lĩnh vực với nguồn vốn của ngân hàng cho 5 lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ... gắn với các giải pháp mở rộng và tăng cường tín dụng an toàn, hiệu quả.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngân hàng là một trong 9 ngành dịch vụ chủ lực của thành phố. Để tạo "đòn bẩy" cho ngành ngân hàng phát triển, Ủy ban Nhân dân thành phố đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp...

Theo ông Nguyễn Thành Phong, trong năm 2017 thành phố kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò theo dõi, nắm bắt thông tin, cảnh báo những tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro, đồng thời, phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố thực hiện hiệu quả tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường an ninh mạng...

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, các hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng cần chú trọng xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, từ đó huy động nguồn lực và góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố.

Ngoài ra, hiện nay đang là thời gian cao điểm mua sắm, giao dịch, thanh toán, do đó các hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng phải đảm bảo thực hiện tốt các kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho đơn vị sản xuất, kinh doanh, trong năm 2017, ngành ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ hộ sản xuất kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp và khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18%, đảm bảo đáp ứng vốn cho kinh tế thành phố, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn. Mức tăng trưởng huy động vốn là 16%, đảm bảo nguồn vốn cho tăng trưởng tín dụng, an toàn vốn và hệ số sử dụng vốn xoay quanh mức 80%. Riêng nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu thực hiện chủ trương chung đảm bảo nợ xấu duy trì ở mức dưới 3%.

Đánh giá các hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò quan trọng trong việc phát ngành ngân hàng cả nước, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, nhằm vượt qua những áp lực và thách thức trong năm 2017, ngành ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, lãi suất phù hợp với thị trường, đặc biệt là lãi suất trung dài hạn.

Song song với đó, các hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phải đặt mục tiêu nâng cao chất lượng tín dụng, cơ cấu tín dụng để hạn chế rủi ro; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn để đạt hiệu quả.

Theo ông Lê Minh Hưng, các hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng vừa trải qua 5 năm tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước đang báo cáo Chính phủ Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng 5 năm tới (2016-2020).

Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hội nhập với hệ thống tài chính khu vực và thế giới, không ngừng nâng cao năng lực, áp dụng chuẩn mực quốc tế, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và người nước./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục