Hy Lạp cải cách bộ máy hành chính để giải quyết khủng hoảng nợ công

Theo kế hoạch cải cách, đến năm 2020, khu vực hành chính nhà nước Hy Lạp sẽ hoạt động hoàn toàn độc lập và không mang tính đảng phái, chính trị.
Hy Lạp cải cách bộ máy hành chính để giải quyết khủng hoảng nợ công ảnh 1Người dân mua sắm tại một chợ hải sản ở Athens, Hy Lạp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 31/8, Chính phủ Hy Lạp đã công bố kế hoạch 3 năm nhằm cải cách khu vực hành chính công. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm giải quyết một trong những vấn đề đẩy quốc gia Nam Âu năm 2010 rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất trong 10 năm.

Chính phủ Hy Lạp hướng tới mục tiêu đến năm 2019 sẽ đánh giá và đào tạo các công nhân viên chức, phân bổ nguồn nhân lực theo nhu cầu của ngành, tìm kiếm các ứng viên có trình độ về công nghệ, lập cơ sở dữ liệu trực tuyến và đơn giản hóa các quy định.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, khu vực hành chính nhà nước sẽ hoạt động hoàn toàn độc lập và không mang tính đảng phái, chính trị.

Dù đã qua nhiều lần cải cách, khu vực kinh tế nhà nước Hy Lạp vẫn hoạt động kém hiệu quả với tệ quan liêu, tham nhũng tràn lan và việc sử dụng hạn chế các hệ thống dữ liệu điện tử. Trong nhiều năm, khu vực này phát triển một cách thiếu kiểm soát.

[Hy Lạp sẽ sớm "tạm biệt" chương trình thắt lưng buộc bụng]

Vào năm 2010 - thời điểm Chính phủ Hy Lạp nhận được gói cứu trợ đầu tiên - số liệu thống kê cho thấy gần 20% lực lượng lao động nước này, tức khoảng 4 triệu người, làm việc trong các cơ quan nhà nước. Con số này đã giảm khoảng 18% kể từ đó chủ yếu do việc hạn chế tuyển dụng và nghỉ hưu sớm. Năm 2016, số công nhân viên chức được tuyển dụng là 565.671 người.

Sau khi cầu cứu 3 gói cứu trợ quốc tế kể từ năm 2010, Athens cam kết với các chủ nợ sẽ hiện đại hóa và thu gọn bộ máy hành chính cồng kềnh nhằm cắt giảm chi phí, hoạt động hiệu quả hơn cũng như khép lại một di sản buồn của chính phủ tiền nhiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục