Năm 2015 sẽ kiểm tra về chất cấm trong thức ăn chăn nuôi

Năm 2015 là năm thanh tra, kiểm tra về chất lượng và an toàn đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn có chất cấm và tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi.
Năm 2015 sẽ kiểm tra về chất cấm trong thức ăn chăn nuôi ảnh 1Kiểm tra một cửa hàng đại lý, kinh doanh thuốc thú y, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Năm 2015 là năm thanh tra, kiểm tra về chất lượng và an toàn đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn có chất cấm và tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi. Cục Chăn nuôi sẽ phối hợp, chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tổ chức thanh, kiểm tra trên toàn quốc về vấn đề này và đề xuất các giải pháp quản lý đồng bộ.

Đây là thông tin được Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Thanh Vân, cho biết tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 của Cục Chăn nuôi, tổ chức ngày 9/1 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám, năm nay, ngành nông nghiệp chọn là năm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chăn nuôi là lĩnh vực cung cấp thực phẩm thịt tới người tiêu dùng cũng như xuất khẩu. Do vậy, ngành chăn nuôi tập trung vào quản lý tốt chất lượng thức ăn đầu vào, các loại chất cấm cũng như tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm chăn nuôi cần được loại bỏ.

Bên cạnh đó, đây cũng là năm Việt Nam có sự hội nhập sâu, rộng hơn và ngành chăn nuôi sẽ phải chịu sự cạnh tranh lớn. Nguồn cung trong nước tăng cộng với sự mở cửa sẽ khiến giá các sản phẩm chăn nuôi giảm và khả năng cạnh tranh gay gắt đòi hỏi ngành chăn nuôi phải có các giải pháp mang tính đột phá để giảm giá thành sản xuất, nhất là trong chăn nuôi nông hộ, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Để có mức tăng trưởng cho ngành chăn nuôi năm 2015 từ 4-5% so với năm 2014, ngành chăn nuôi đã đề ra các chỉ tiêu cần đảm bảo như: về sản lượng thịt lợn xuất chuồng tăng 2,6%; gia cầm xuất chuồng tăng 6,7%; sản lượng thịt trâu ổn định, sản lượng thịt bò xuất chuồng tăng 3,8%; sản lượng trứng tăng 9,8%, sản lượng sữa tăng 11,8%.

Theo ông Hoàng Thanh Vân, bên cạnh việc duy trì và phát triển sản xuất chăn nuôi, Cục Chăn nuôi sẽ tập trung khơi thông thị trường, tìm kiếm cơ hội và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thịt lợn sang thị trường một số nước thuộc Liên minh Hải quan châu Âu, đặc biệt là Nga; tăng cường tháo gỡ rào cản, thúc đẩy xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi hiện đang xuất khẩu có tiềm năng; đồng thời nghiên cứu và đề xuất giải pháp nâng cao năng lực và thúc đẩy chế biến thực phẩm.

Năm 2014, ngành chăn nuôi đã có sự tăng trưởng mạnh, với mức tăng 4,5% so với năm 2013. Đạt được kết quả này nhờ cơ cấu sản xuất chăn nuôi chuyển đổi nhanh theo hướng trang trại, hộ lớn, hộ chuyên nghiệp. Xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình liên kết trong sản xuất như mô hình chăn nuôi gia công, hợp tác xã và các chuỗi sản xuất khép kín thịt, trứng tại Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh…

Bên cạnh đó, công tác kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi được tăng cường. Đã khống chế về số lượng và kiểm soát được chất lượng 100% các lô nguyên liệu thức ăn nhập khẩu theo từng doanh nghiệp, nước nhập khẩu.

Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát dịch bệnh, giảm giá thành sản xuất các sản phẩm chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất chăn nuôi… vẫn còn những tồn tại, khó khăn. Năm qua, Cục Chăn nuôi đã triển khai kiểm tra trọng điểm thức ăn chăn nuôi tại 6 tỉnh: Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vĩnh Long.

Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm về chất lượng và an toàn đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn có chất cấm và tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi. Đây là những lỗi vi phạm rất khó phát hiện và xử lý nếu thiếu các giải pháp quản lý đồng bộ.

Năm 2014, ngành chăn nuôi đã sản xuất được: tổng đàn lợn đạt 26,7 triệu con, tăng 2% so với năm 2013; gia cầm 324,6 triệu con, tăng trên 3%; đàn bò đạt 5,16 triệu con, ổn định so với năm 2013; bò sữa 227.600 con, tăng 23,4%; trâu 2,53 triệu con, giảm 1,1%/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục