Các hộ chăn nuôi nhỏ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trên mức đầu tư, nhưng những rủi ro đến với người chăn nuôi nhỏ cũng ngày một tăng do ảnh hưởng của giá thức ăn, dịch bệnh và giá bán, trong khi các chính sách hiện hành chủ yếu hỗ trợ và thúc đẩy chăn nuôi quy mô lớn mà không có tác động nhiều đến người chăn nuôi nhỏ.
Một loạt những thách thức, bất cập trong ngành chăn nuôi nông hộ nhỏ đã được đề cập tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của “Cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người chăn nuôi nhỏ ở Việt Nam,” do Liên minh Nông nghiệp tổ chức sáng nay (18/11), tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Văn Giáp, Trưởng nhóm nghiên cứu về chăn nuôi của Liên minh Nông nghiệp cho biết, ngành chăn nuôi Việt Nam tăng nhanh và chuyển từ quy mô chăn nuôi nhỏ sang các hộ và trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Số lượng hộ chăn nuôi nhỏ giảm nhanh, nguyên nhân là do gặp phải nhiều rủi ro dịch bệnh, bị cạnh tranh bởi hộ quy mô lớn và không được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước.
Hơn nữa chăn nuôi Việt Nam ngày càng phụ thuộc hơn vào thị trường nước ngoài từ nhập khẩu giống, thức ăn, thuốc thú y và chịu sự canh tranh ngày càng gay gắt của sản phẩm thịt nhập khẩu và hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, chuỗi thức ăn nhanh, nhà hàng, khách sạn...).
Thực tế cho thấy, ngành chăn nuôi chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong nền nông nghiệp với tổng sản lượng thịt gia súc gia cầm tăng khoảng 2,5 lần từ năm 2000 đến 2012 và tổng giá trị ngành chăn nuôi Việt Nam đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2012, chiếm gần 27% tổng giá trị ngành nông nghiệp (theo số liệu từ Niên giám thống kê 2013).
Tuy nhiên nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp cho thấy chi phí cho thức ăn chăn nuôi đã chiếm tới khoảng 70% tổng giá trị thị trường chăn nuôi (6,958 tỉ USD năm 2012 và 7,643 tỉ USD năm 2013). Mặc dù giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ổn định, sản lượng thức ăn chăn nuôi nội địa tăng, thuế VAT 5% cũng đã được bãi bỏ, nhưng giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường vẫn luôn tăng, gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi Việt Nam.
Hiện, thị trường thức ăn chăn nuôi ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khi các doanh nghiệp này chiếm phần lớn thị phần và có khả năng điều khiển thị trường, có thể gây tổng thiệt hại xã hội hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm theo tính toán.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, ông Lương Hồng Đoán, đại diện nông dân đến từ tỉnh Đồng Nai cho biết, chính các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung cấp 50-60% sản phẩm chăn nuôi cho thị trường. Tuy nhiên, người chăn nuôi nông hộ lại thiếu các biện pháp khoa học kỹ thuật và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học dẫn đến dễ bị dịch bệnh. Bên cạnh đó, chăn nuôi nông hộ lại thiếu vốn nên không tái đàn được.
Do đó, đề xuất tại Hội thảo ông Lương Hồng Đoán cho rằng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn cho các hộ chăn nuôi để mở rộng quy mô, phát triển theo chuỗi sản xuất. Song song với đó, các địa phương cần tổ chức tập huấn nâng cao khả năng áp dụng kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả đồng thời chú trọng các nguồn giống chất lượng.
Tại hội thảo, Liên minh Nông nghiệp cũng đưa ra một số đề xuất đáng chú ý khác như xây dựng chiến lược và quy hoạch chăn nuôi hoàn chỉnh cho cả nước, kiểm soát nhập lậu sản phẩm thịt qua biên giới theo đường tiểu ngạch. Cùng với đó, các bộ ngành liên quan cần tăng cường siết chặt kiểm soát vệ sinh môi trường chăn nuôi, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm cho hệ thống giết mổ-phân phối thịt và quản lý hiệu quả thị trường thuốc và dịch vụ thú y.
Liên minh Nông nghiệp còn khuyến nghị hình thành hiệp hội người tiêu dùng như một cơ quan độc lập kiểm tra, xác nhận chất lượng của các hệ thống cung ứng và phân phối sản phẩm chăn nuôi, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng./.