Trong ngành chăn nuôi, công tác giống đóng vai trò quan trọng bậc nhất, bởi đó là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm. Giống vật nuôi tốt có thể làm tăng năng suất sản xuất của vật nuôi từ 10-50%.
Đó là nhận định của Viện trưởng Viện Chăn nuôi-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thanh Sơn tại Hội nghị đánh giá thực trạng, định hướng nghiên cứu và phát triển giống vật nuôi giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn 2030 do Viện Chăn nuôi Việt Nam tổ chức sáng nay (23/10), tại Hà Nội. Theo Viện trưởng Nguyễn Thanh Sơn, khi áp dụng các biện pháp chọn lọc và lai tạo giống thì chất lượng sản phẩm sẽ thay đổi đáng kể. Giống vật nuôi tốt sẽ đem lại hiệu quả và thương hiệu cho các cơ sở giống, theo đó lợi nhuận và thu nhập cho người nông dân sẽ tăng lên. Đơn cử, về chăn nuôi gia cầm, Viện Chăn nuôi áp dụng các công thức lai đạt ưu thế lai ở đời con và đời cháu là 8–9 %. Hiệu quả do áp dụng công thức lai giữa các giống, giá trị ưu thế lai đã sinh lợi cho ngành chăn nuôi gia cầm thêm 5,5–6 nghìn tỷ đồng/năm. Ước tính khoảng 29-30% giá trị gia tăng sản lượng thịt, trứng gia cầm là do kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đem lại. Về giống chăn nuôi bò sữa, giống bò Holstein Friesian (HF) thuần cao sản được nhập nội năm 2001 và đã thích nghi, năng suất tốt với điều kiện Việt Nam. Từ 2009-2012 các doanh nghiệp lớn như TH Milk, Vinamilk đã nhập trên 20.000 con bò sữa HF. Bên cạnh đó, Viện chăn nuôi cũng đã ứng dụng thành công đối với công nghệ phối giống tinh bò phân biệt giới tính. [Xây trang trại bò sữa công nghệ cao ở Bình Dương] Ngoài ra, Viện Chăn nuôi đã chọn lọc và xây dựng được đàn bò sữa hạt nhân cao sản với năng suất sữa cao, tương đương năng suất bò sữa Thái Lan và một số nước trong khu vực. Bằng những kết quả nghiên cứu và các giải pháp khoa học kỹ thuật mới, bò thuần HF đã nuôi được ở hầu hết các vùng miền trong cả nước. Về giống bò thịt, công nghệ tạo giống bò thịt đã thu được thành quả rõ rệt, các tổ hợp lai hướng thịt giữa bò Vàng lai Brahman với các giống bò chuyên thịt Red Angus và Drought Master tạo ra con lai Zêbu có khả năng tăng trọng cao. Về giống lợn, nghiên cứu đã bước đầu tạo ra nguyên liệu để tạo các dòng tổng hợp có khả năng sinh sản cao, chất lượng thịt tốt. Tạo ra một số tổ hợp lai mới mang thương hiệu Viện Chăn nuôi như VCN01, VCN02, VCN03, VCN04, VCN23, tăng khối lượng đạt 749-785 g/ngày, số con sơ sinh sống cao đạt 11,2 con (VCN04), tỷ lệ nạc đạt 60-62%. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng giống vật nuôi ở Việt Nam nhìn chung vẫn còn chưa cao, đặc biệt là năng suất chăn nuôi nông hộ vẫn còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Phát biểu tại Hội nghị, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đăng Vang–Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, trở ngại lớn nhất hiện nay trong việc chưa nhân rộng được các sản phẩm công nghệ lai tạo giống mới là do hộ nông dân chưa biết hết giá trị của việc áp dụng ưu thế lai trong công tác giống và chưa có sự liên kết chuỗi sản xuất. Vẫn theo chiều hướng “mạnh ai nấy làm,” mặt khác các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong quản lý giống vật nuôi làm chưa tốt. Do vậy, kiến nghị đề xuất tại Hội nghị, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đăng Vang cho rằng, cần phải tập trung xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất chăn nuôi đảm bảo có sự liên kết từ khâu nguồn giống, thức ăn và chế biến đưa ra thị trường. “Có như vậy thì mới đảm bảo được các yếu tố về chất lượng, tiết kiệm được chi phí mang lợi nhuận kinh tế và đảm bảo yếu tố môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường” phó giáo sư Nguyễn Đăng Vang nhấn mạnh.
Một số kết quả đạt được Viện Chăn nuôi: Về giống bò: Đã áp dụng phối giống cho khoảng 300 ngàn bò cái, sinh sản 200–220 nghìn bê lai thịt chiếm 13 - 14% số bê sinh ra/năm, dư địa phía trước còn 86 – 87%. Với ngành bò sữa về số lượng khoảng 167.000 con, sản xuất ra 381 nghìn tấn sữa tươi, đáp ứng được khoảng 26% nhu cầu của thị trường. Về giống lợn: Sơ đồ giống hình tháp 4 cấp cụ kỵ-ông bà–bố mẹ-thương phẩm mới được áp dụng khoảng 5% về số lượng và 12% về sản lương thịt. Về giống gà thịt công nghiệp lông mầu: Hệ thống giống 3 cấp ông bà–bố mẹ-thương phẩm mới đạt khoảng 10% thị trường, 2 cấp bố mẹ-thương phẩm khoảng 25% thị trường./. |
Thanh Tâm (Vietnam+)