Pháp kêu gọi Đức tăng cường chi tiêu cho hoạt động đầu tư

Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin kêu gọi Đức tăng cường chi tiêu cho đầu tư, song ông cũng bác bỏ việc Mỹ công kích nhằm vào khoản thặng dự thương mại kỷ lục của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Pháp kêu gọi Đức tăng cường chi tiêu cho hoạt động đầu tư ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin ngày 12/2 đã kêu gọi Đức tăng cường chi tiêu cho đầu tư, song ông cũng bác bỏ việc Mỹ công kích nhằm vào khoản thặng dự thương mại kỷ lục của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Handelsblatt (Thương mại) của Đức ngày 13/2, ông Sapin nhấn mạnh việc tăng chi tiêu cho hoạt động đầu tư sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho cả Đức và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành kinh tế Pháp cũng phản đối những chỉ trích gần đây của Mỹ cho rằng Đức đã lợi dụng việc đồng euro có giá trị thấp để tăng xuất khẩu, theo đó chiếm ưu thế tại thị trường Mỹ và nhiều nước đối tác trong Liên minh châu Âu (EU). Theo ông Sapin, việc Mỹ công kích Đức về vấn đề này "rõ ràng là vô lý."

Những bình luận của ông Sapin đã làm gia tăng thêm áp lực bên ngoài và một cuộc tranh luận trong nội bộ Đức về thặng dư thương mại của nước này, vốn liên tiếp lập các kỷ lục mới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Hôm 9/2, Cơ quan Thống kê Liên bang Đức Destatis đã công bố số liệu chính thức cho thấy thặng dư thương mại của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đạt mức cao kỷ lục trong năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu năm ngoái tăng 1,2%, đạt 1.200 tỷ euro (tương đương 1.300 tỷ USD), trong khi nhập khẩu chỉ tăng 0,6% đạt 955 tỷ euro, đã mang về cho Đức khoản thặng dư thương mại lên đến 253 tỷ euro.

Cho đến nay, rất nhiều thể chế quốc tế trong đó có Uỷ ban châu Âu (EC) và Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã hối thúc Đức nên thúc đẩy hoạt động tiêu dùng nội địa, giúp kích thích đà tăng trưởng chậm chạp trong EU. Tuy nhiên, chính sách của Đức dưới sự dẫn dắt của Bộ trưởng Tài chính theo đường lối bảo thủ Wolfgang Schaeuble hiện vẫn ưu tiên mục tiêu giảm nợ, thông qua việc cắt giảm thuế trong trung hạn nếu Thủ tướng Đức Angela Merkel tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới.

Mới đây nhất, hôm 31/1, Cố vấn thương mại cấp cao của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Peter Navarro đã cáo buộc Berlin liên tục lợi dụng đồng euro giảm giá để đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước trong EU và Mỹ, theo đó cho rằng mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu của quốc gia này làm tổn thương khu vực Eurozone và Mỹ - hiện là nước đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Đức.

Tổng thống Donald Trump cũng cảnh báo các nhà sản xuất xe hơi của Đức rằng Mỹ sẽ áp thuế 35% đối với các loại xe nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Phản ứng trước tuyên bố này, Thủ tướng Merkel cho biết Đức đang chờ xem hành động của chính quyền Mỹ để đưa ra quyết định đáp trả các biện pháp bảo hộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục