Phát hiện mới về Diêm Vương - tiểu hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời

Sau chuyến du hành gần một thập của tàu vũ trụ New Horizons, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ đã đưa ra kết luận rằng, Sao Diêm Vương có kích thước lớn hơn so với ước tính.
Phát hiện mới về Diêm Vương - tiểu hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời ảnh 1(Nguồn: NASA)

Sao Diêm Vương có kích thước lớn hơn so với ước tính. Đây là kết luận được đưa ra sau chuyến du hành gần một thập kỷ của tàu vũ trụ New Horizons thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Trung tâm kiểm soát sứ mệnh của New Horizons đặt tại Baltimore, Mỹ cho biết sau hành trình 4,88 tỷ km trong 9 năm kể từ khi được phóng lên vũ trụ năm 2006, tàu thăm dò hiện đi vào vị trí khuất của Sao Diêm Vương, ở khoảng không giữa thiên thể này và Mặt Trăng đầu tiên của nó, Charon.

Theo các kết quả phân tích đầu tiên, số liệu mới ghi nhận Sao Diêm Vương, "cựu hành tinh" của Hệ Mặt Trời, có đường kính 2.370 km, lớn hơn khoảng 80km so với ước tính trước đây.

Như vậy, Sao Diêm Vương chính thức được xác nhận là "tiểu hành tinh" lớn nhất trong hệ Mặt Trời; danh hiệu này trước đó thuộc về Eris, một trong hàng trăm nghìn tiểu hành tinh và tinh thể như sao chổi trong vành đai Kuiper bao ngoài cùng Hệ Mặt Trời.

Với kích thước lớn hơn, Sao Diêm Vương sẽ có nhiều băng và ít đá hơn so với ước tính trước đây, đây là một chi tiết quan trọng đối với các nhà khoa học trong việc xâu chuỗi quá trình hình thành của tiểu hành tinh này cũng như cả Hệ Mặt Trời.

Theo nhà khoa học hàng đầu của NASA John Grunsfeld, Sao Diêm Vương là tàn dư hóa thạch của giai đoạn đầu hình thành Hệ Mặt Trời, vì vậy cần phải tìm hiểu thêm về tiểu hành tinh này. Ngoài ra, kích thước cũng ảnh hưởng đến độ lớn của khí quyển của Sao Diêm Vương.

Trong 30 phút di chuyển qua Sao Diêm vương và 5 Mặt Trăng của tiểu hành tinh này, New Horizons sẽ tiến hành một loạt phương pháp đo đạc, quan sát bằng những máy ảnh và thiết bị khoa học. Do đang ở vị trí khuất, hầu hết các thông tin thu thập được sẽ được lưu giữ trong bộ nhớ của New Horizon và sẽ truyền về Trái Đất sau khi tàu ​vũ trự đi qua phía bên kia của Sao Diêm Vương.

Là tàu vũ trụ đầu tiên đến gần Sao Diêm Vương, New Horizons cho các nhà khoa học cơ hội được nhìn cận cảnh do tiểu hành tinh này ở quá xa không thể quan sát bằng các loại kính thiên văn kể cả loại đặt ngoài không gian.

Với kích thước bằng một chiếc đàn Piano, tàu mang theo nhiều máy quay, máy ảnh, quang phổ kế và những dụng cụ khác để phân tích nồng độ bụi, đo đạc thành phần bầu khí quyển, tìm kiếm vệ tinh và tạo bản đổ nhiệt của hành tinh này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục