1/3 số vượn người châu Phi đang gặp nguy hiểm do hoạt động khai thác mỏ

Ước tính hơn 1/3 tổng số loài vượn người - tương đương gần 180.000 khỉ đột, tinh tinh lùn bonobo và tinh tinh - đang đối mặt với nguy cơ mất môi trường sống do hoạt động khai thác mỏ.

Vượn người châu Phi. (Nguồn: DPA)
Vượn người châu Phi. (Nguồn: DPA)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, một nghiên cứu công bố gần đây cho biết nhu cầu cao về các khoáng sản quan trọng để cung cấp năng lượng xanh đang gây ra mối đe dọa đáng báo động đối với quần thể vượn người ở châu Phi, với hơn 1/3 số cá thể của loài động vật to lớn này gặp nguy hiểm do các hoạt động khai thác mỏ.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, do các nhóm chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng sinh học tích hợp Đức (iDiv), thuộc Đại học Martin Luther Halle-Wittenberg và tổ chức bảo tồn Re:wild tiến hành.

Ước tính hơn 1/3 tổng số loài vượn người - tương đương gần 180.000 khỉ đột, tinh tinh lùn bonobo và tinh tinh - đang đối mặt với nguy cơ nói trên.

Các nhà nghiên cứu giải thích: “Nhiều khoáng sản rất cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, nhưng việc khai thác chúng lại dẫn đến sự gia tăng ngày càng cao của nạn phá rừng ở các khu rừng mưa nhiệt đới, nơi loài vượn người sinh sống.”

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng do các công ty khai thác mỏ không bắt buộc phải công khai dữ liệu đa dạng sinh học nên tác động thực sự của việc khai thác đối với đa dạng sinh học và loài vượn lớn nói riêng có thể còn cao hơn và có thể làm lu mờ thêm tác động thực sự đối với loài vượn lớn và môi trường sống của chúng.

Ngoài ra, các nghiên cứu đánh giá mối đe dọa của việc khai thác khoáng sản đối với đa dạng sinh học toàn cầu vẫn còn thiếu.

Sử dụng dữ liệu từ các địa điểm khai thác đang hoạt động và sắp hoạt động trên khắp 17 quốc gia châu Phi, các nhà nghiên cứu đã xác định sự chồng lấn đáng kể giữa các khu vực có mật độ vượn cao và các khu khai thác mỏ.

Ở Liberia, Sierra Leone, Mali và Guinea, sự chồng lấn giữa các khu vực khai thác mỏ và môi trường sống của loài vượn lớn đặc biệt rõ rệt.

Tiến sỹ Jessica Junker, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh sự cần thiết phải minh bạch trong khai thác mỏ để hiểu rõ hơn về tác động của hoạt động này đối với loài vượn lớn và môi trường sống của chúng.

Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các công ty khai thác mỏ chia sẻ dữ liệu để cung cấp thông tin cho các nỗ lực bảo tồn và giảm thiểu thiệt hại về môi trường.

Các nhà khoa học khuyến cáo nên thực hiện các biện pháp phòng tránh trong giai đoạn thăm dò.

Tuy nhiên, giai đoạn này được quản lý kém và các công ty thường thu thập dữ liệu cơ bản sau khi tình trạng phá hủy đáng kể môi trường sống đã xảy ra.

Do đó, những dữ liệu này không thể hiện chính xác tình trạng ban đầu của quần thể loài vượn lớn trong khu vực trước khi bắt đầu khai thác.

Đặc biệt ở Tây Phi, nhiều khu vực khai thác trùng với môi trường sống của loài vượn, thường ở những vùng có mật độ sinh sống của loài vượn cao.

Các chuyên gia cho biết đối với 97% khu vực khai thác, không có sẵn dữ liệu khảo sát loài vượn, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng tiếp cận dữ liệu môi trường trong lĩnh vực khai thác, để tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu về các tác động phức tạp giữa khai thác, khí hậu, đa dạng sinh học và tính bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục