Trung Quốc: Tàu Thần Châu-18 được lắp ghép với Trạm vũ trụ Thiên Cung

Theo Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc, 6 phi hành gia tàu Thần Châu-18 sẽ sống và làm việc cùng nhau trong khoảng 5 ngày để hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch và công việc bàn giao.

Tên lửa đẩy Trường Chinh 2F mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-18 rời bệ phóng tại Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc ngày 25/4/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tên lửa đẩy Trường Chinh 2F mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-18 rời bệ phóng tại Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc ngày 25/4/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 26/4, nhóm 3 phi hành gia trên tàu Thần Châu-18 của Trung Quốc đã được đưa lên Trạm Vũ trụ Thiên Cung và chuẩn bị tiếp nhận nhiệm vụ.

Khoảng 5h sáng cùng ngày, 3 phi hành gia của sứ mệnh Thần Châu-17 đã mở cửa Trạm Thiên Cung chào đón những người “kế nhiệm” và cùng chụp ảnh lưu niệm nhóm.

Sự kiện này cũng đánh dấu đoàn phi hành gia thứ 4 lên làm việc tại trạm vũ trụ của Trung Quốc.

Theo Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc, 6 phi hành gia sẽ sống và làm việc cùng nhau trong khoảng 5 ngày để hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch và công việc bàn giao.

Tàu Thần Châu-18 được phóng đi trên tên lửa Trường Chinh 2F từ trung tâm phóng tàu vũ trụ ở Tửu Tuyền, Tây Bắc Trung Quốc, vào khoảng 21h tối 25/4 (giờ địa phương).

Đây là bước tiến mới nhất trong chương trình vũ trụ của Bắc Kinh với mục tiêu đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030.

Nhóm phi hành gia mới lên sẽ làm việc trong 6 tháng trên trạm Thiên Cung, dự định thực hiện các thí nghiệm “trong các lĩnh vực vật lý cơ bản về vi trọng lực, khoa học vật liệu vũ trụ, khoa học đời sống vũ trụ, y học vũ trụ và công nghệ vũ trụ.”

Nhóm cũng sẽ thử tạo một bể cá trên tàu và tìm cách nuôi cá trong môi trường không trọng lực.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã "bơm" hàng tỷ USD cho chương trình không gian. Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu đưa phi hành đoàn lên Mặt Trăng vào năm 2030.

Từ năm 2011, Trung Quốc không đưa các phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sau mâu thuẫn với Mỹ. Trung Quốc đã phát triển trạm vũ trụ riêng mang tên Thiên Cung.

Trạm Thiên Cung hoàn thiện năm 2022 và do các nhóm phi hành gia Trung Quốc vận hành luân phiên định kỳ 6 tháng. Thiên Cung dự kiến sẽ vẫn ở quỹ đạo Trái Đất thấp ở độ cao từ 400 km đến 450 km bên trên hành tinh của chúng ta trong ít nhất 10 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục