Sắc lệnh tài chính mới của Hy Lạp gây sức ép cho các địa phương

Các thị trưởng của một loạt thành phố ở Hy Lạp đã lên tiếng phản đối sắc lệnh của Chính phủ yêu cầu chuyển toàn bộ dự trữ tiền mặt tới Ngân hàng Trung ương để giúp Chính phủ trang trải các khoản nợ.
Sắc lệnh tài chính mới của Hy Lạp gây sức ép cho các địa phương ảnh 1Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 21/4, các thị trưởng của một loạt thành phố ở Hy Lạp đã lên tiếng phản đối sắc lệnh của Chính phủ yêu cầu chuyển toàn bộ dự trữ tiền mặt tới Ngân hàng Trung ương để giúp Chính phủ trang trải các khoản nợ đáo hạn, tránh nguy cơ vỡ nợ trong tương lai gần.

Các chính quyền địa phương ở Hy Lạp kịch liệt phản đối sắc lệnh trên của Chính phủ, theo đó cảnh báo việc chuyển nguồn dự trữ tài chính cho Ngân hàng Trung ương có thể khiến các cơ quan địa phương này phải ngừng hoạt động.

Phát biểu tại cuộc họp có sự tham dự của Thứ trưởng Tài chính Hy Lạp Dimitris Mardas, người đứng đầu Liên minh các đô thị trung ương của Hy Lạp, ông Giorgos Patoulis tuyên bố việc nhà nước quản lý nguồn quỹ của các địa phương là không công bằng và không thể chấp nhận được.

Chủ tịch Liên minh các thống đốc Hy Lạp, ông Kostas Agorastos cũng cho rằng sắc lệnh mới của chính phủ có thể làm đình trệ các công trình đang xây dựng như đường sá, bệnh viện và trường học.

Ngoài ra, việc chuyển nguồn ngân sách dự trữ của các địa phương và khu vực trên khắp Hy Lạp tới Ngân hàng Trung ương sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn tài chính, trong bối cảnh chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Hy Lạp vừa giảm thêm 3,3%.

Bất chấp những ý kiến phản đối trên, Thứ trưởng Tài chính Mardas đã bảo vệ quyết định của Chính phủ khi cho rằng đây thực ra là hình thức "vay nợ ngắn hạn" của nhà nước, đồng thời cho biết các nguồn quỹ này sẽ được hoàn trả lại cho địa phương theo các nhu cầu cần thiết trong vòng 15 đến 20 ngày.

Chính phủ Hy Lạp cũng trấn an các chính quyền địa phương rằng cả Anh và Hà Lan cũng từng phải thực hiện các biện pháp tượng tự trước đây.

Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đang nỗ lực đàm phán với "bộ ba" chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để được giải ngân 7,2 tỷ euro (7,8 tỷ USD) còn lại trong chương trình cứu trợ 240 tỷ euro mà EU và IMF đã nhất trí dành cho Hy Lạp từ năm 2010.

Để trang trải những nhu cầu cấp bách của đất nước, bao gồm 1,1 tỷ euro tiền lương, 850 tỷ euro bảo hiểm xã hội, 200 triệu euro trả lãi suất nợ và 12,7 tỷ euro trả nợ cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào ngày 12/5 tới, Chính phủ Hy Lạp ngày 21/4 đã ra sắc lệnh yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước, bao gồm các bệnh viện và trường đại học, phải mở nguồn dự trữ để giúp chính phủ trả nợ.

Động thái này làm gia tăng những lo ngại rằng Hy Lạp đang sắp vỡ nợ và có thể phải ra khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục