Số lượng doanh nghiệp giải thể tăng trong quý một

Trong quý 1, số doanh nghiệp khóa mã số thuế để hoàn tất thủ tục giải thể tại TP.HCM và Hà Nội tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Tại giao ban thường kỳ Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng 28/3 tại Hà Nội, Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong quý 1, Thành phố Hồ Chí Minh có 931 doanh nghiệp khóa mã số thuế để hoàn tất thủ tục giải thể tại Cục Thuế Thành phố nhưng chỉ có 526 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, tăng 23,8% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, cũng có 5.012 doanh nghiệp gửi thông báo ngừng hoạt động đến Cục Thuế Thành phố nhưng chỉ có 462 doanh nghiệp gửi thông báo ngừng hoạt động đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ.

Nhìn chung, các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tập trung vào nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế thương mại, xây dựng, du lịch và vận tải.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cũng cho hay mặc dù Sở chưa chốt được số liệu thống kê cuối cùng nhưng chắc chắn số doanh nghiệp xin giải thể trong tháng Ba tiếp tục tăng.

Hết tháng Hai, số doanh nghiệp giải thể đã tăng gấp 4,3 lần cùng kỳ năm 2011.

Số liệu các doanh nghiệp xin giải thể ngừng hoạt động tăng mạnh trong quý 1 cho thấy sự khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải. Tuy nhiên, từ góc độ nền kinh tế thị trường, sự “thanh lọc” này là bình thường; điều đáng ngại nhất là có những doanh nghiệp “chết” rồi nhưng vẫn chưa “khai tử,” ông Tứ khẳng định.

Cùng với số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy trong quý 1, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong cả nước là 15.994 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 91.000 tỷ đồng, giảm 7% về số lượng doanh nghiệp và 10% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Tại giao ban, đại diện Bộ Công Thương cho biết các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn bởi thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp khi sức mua giảm và giá giảm.

Trong khi đó, lãi suất huy động của ngân hàng thương mại đã giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó vay vốn tín dụng vì lãi suất cho vay vẫn cao.

Để giúp doanh nghiệp tháo gỡ bớt khó khăn, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất, nhất là với doanh nghiệp thuộc khối ngành sản xuất và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm thị trường để khơi thông đầu ra cho mặt hàng nông sản và các mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục