Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nuôi trồng thủy sản

Từ nay đến cuối năm, sản xuất thủy sản cần được tháo gỡ khó khăn về vốn và giải quyết dứt điểm dịch bệnh để đạt các mục tiêu đề ra.
Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2012 của Tổng cục Thủy sản, diễn ra ngày 2/7 tại Hà Nội, cho biết sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm vẫn duy trì được sự tăng trưởng cả về giá trị và sản lượng.

Giá trị thủy sản đạt 26.884 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 33% trong tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản. Trong đó, nuôi trồng thủy sản đạt 16.897 tỷ đồng, tăng 6,8%; khai thác thủy sản 10.005 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên thời gian qua, có không ít những rào cản, khó khăn đã tác động đến hoạt động sản xuất thủy sản.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Người dân cũng như doanh nghiệp chế biến thủy sản gặp nhiều khó khăn cả về vốn sản xuất; sự tác động từ thị trường, nhất là các thị trường nhập khẩu thủy sản với liên tục những cảnh báo về dư lượng hóa chất, trong khi đó giá nguyên liệu thủy sản luôn trong tình trạng giá cả bấp bênh, trồi sụp.

Tại thời điểm này, giá thu mua nguyên liệu giảm sâu ở hầu hết các đối tượng chủ lực như cá tra, tôm nước lợ song vẫn ở tình trạng tồn đọng, khó tiêu thụ.

Sản xuất thủy sản còn chịu tác động bởi thời tiết, dịch bệnh. Ngay từ những tháng đầu năm, dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợi đã liên tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ở nhiều địa phương, nhất là khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Theo số liệu thống kê của 16 tỉnh trọng điểm nuôi tôm ven biển, đến hết tháng 6/2012 diện tích đã thả giống là 614.030ha, trong đó diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là 39.827ha (chiếm 6,49% diện tích nuôi).

Các tỉnh bị thiệt hại nặng là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh. Ngoài ra, dịch bệnh cũng xuất hiện trên cả các đối tượng khác như cá tra, nghêu, hàu...

Nguyên nhân được cho là ngoài yếu tố thời tiết, dường như những yếu kém, tồn tại trong quản lý, trong tập quán sản xuất của một bộ phận nông dân cùng với xu hướng sản xuất không tuân thủ quy hoạch, lịch thời vụ, kỹ thuật đã góp phần tạo ra những diễn biến phức tạp về dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi.

Đánh giá về những hạn chế trong nuôi trồng thủy sản, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính cho rằng, việc xây dựng quy hoạch phát triển, quy hoạch chi tiết các vùng nuôi trồng thủy sản theo các vùng, miền còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Tính khả thi của một số quy hoạch chưa cao; quy hoạch nuôi các đối tượng chủ lực, các đối tượng kinh tế chưa được triển khai, giám sát thực hiện; việc hướng dẫn thực hiện quy hoạch ở một số địa phương còn chậm và thiếu phối hợp giữa các ngành, tổ chức liên quan, công tác chỉ đạo thực hiện quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức.

Ở chiều thuận, nhờ yếu tố thời tiết, khai thác thủy sản sáu tháng đầu năm nhìn chung vẫn khá hiệu quả trên nhiều đối tượng, nhiều nghề.

Sáu tháng qua, sản lượng khai thác thủy sản đạt 1,278 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2011. Việc thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển với phương châm cùng ngư trường, cùng nghề, cùng nơi cư trú, qua triển khai tại một số địa phương như Quảng Nam , Đà Nẵng, Bình Định, Hải Phòng... cho thấy hiệu quả khả quan.

Đến nay, cả nước đã có hơn 3.000 tổ đội sản xuất với khoảng 18.000 tàu cá tham gia. Thí điểm thành lập 13 nghiệp đoàn đánh cá với quy mô lớn và tổ chức điều hành bài bản bước đầu đã được các địa phương ủng hộ và ngư dân đón nhận.

Từ kết quả thực tế, sổ tay hướng dẫn thành lập mô hình tổ đội đang tiếp tục được hoàn thiện để tiếp tục phổ biến, hướng dẫn các địa phương khác trên cả nước.

Bên cạnh đó, tác động bước đầu của các cơ chế chính sách từ các Quyết định 289 và Quyết định 48 khi đi vào cuộc sống đã tạo điều kiện cho ngư dân bám biển sản xuất và làm ăn có lãi, mặc dù trong thời gian qua liên tục có sự biến động của giá xăng song trên thực tế được đánh giá là tác động không lớn đến sản xuất khai thác thủy sản như những năm trước đây.

Tuy nhiên, thực tế còn cho thấy việc tổ chức mạng lưới thu mua nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng nhìn chung vẫn chưa thực sự có lời giải tốt cho bài toán quan hệ giữa thương lai, nậu vựa với ngư dân, doanh nghiệp.

Trong đó nổi lên thời gian qua là hạn chế trong tổ chức thu mua của tổ chức nậu vựa, doanh nghiệp trong nước và sự phụ thuộc vào thương lái người nước ngoài trong thu mua nguyên liệu thủy sản. Điều này đã làm tổn thất trong khai thác thủy sản vẫn ở mức 20-25%.

Những khó khăn trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn tồn tại và nhiều thách thức, đó là vấn đề tổ chức sản xuất trên biển gắn với hiện đại hóa, bảo đảm an toàn về người và phương tiện, quản lý đội tàu khai thác, thông tin liên lạc, dự báo ngư trường vẫn là bài toán lớn cần được giải.

Gỡ khó về vốn, giải quyết bệnh dịch

So với các chỉ tiêu đề ra tại Chương trình hành động, tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 49% (trong đó nuôi trồng thủy sản đạt 43%, khai thác thủy sản đạt 58%).

Trong 6 tháng cuối năm, các yếu tố khách quan như thời tiết, giá các nguyên liệu đầu vào, tình hình cung cầu về hàng hóa trên thị trường thế giới... sẽ có diễn biến phức tạp và ảnh hưởng mạnh đến kết quả sản xuất.

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, công tác chỉ đạo sản xuất phải bám sát thực tiễn, quyết liệt để đạt được các mục tiêu đề ra cả năm 2012 và làm cơ sở cho kế hoạch năm 2013 và triển khai kế hoạch trung hạn 2013-2015.

Trước mắt, từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng trước hết cần tháo gỡ khó khăn về vốn cho người nuôi và doanh nghiệp, đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng dịch bệnh trên nuôi trồng thủy sản.

Đối với lĩnh vực khai thác, cần tổ chức sản xuất trên biển sao cho đạt hiệu quả, đồng thời làm cho ngư dân bám biển cả về phòng chống thiên tai cũng như vấn đề an ninh.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền cho ngư dân để không vi phạm về đánh bắt bất hợp pháp cũng như tăng ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đánh bắt bền vững vì khai thác thủy sản là khai thác tài nguyên có tái tạo./.

Bích Hồng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục