Lefaso kiến nghị thành lập trung tâm phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Cục Công nghiệp phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án thành lập khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thăm khu ICD (dự kiến xây Trung tâm giao dịch Nguyên phụ liệu), và Trung tâm Nghiên cứu phát triển văn phòng Túi xách TBS Group. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thăm khu ICD (dự kiến xây Trung tâm giao dịch Nguyên phụ liệu), và Trung tâm Nghiên cứu phát triển văn phòng Túi xách TBS Group. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ngày 25/4, tại tỉnh Bình Dương, lãnh đạo Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) đã kiến nghị xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương.

Nhiều nguyên phụ liệu phụ thuộc nhập khẩu

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso, một trong những khó khăn lớn của ngành da giày là công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển. Các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào gia công mà không phát triển khâu nguyên phụ liệu. Hiện nay, phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Do đó, để đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối theo yêu cầu của các FTA là một trở ngại lớn.

Trong khi đó, Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành theo Quyết định số 879/QĐ-TTG ngày 9/6/2014 đã xác định dệt may-da giày là 2 trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững.

“Để làm được điều này, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó giúp các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành,” ông Thuấn nhìn nhận đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương và cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương.

Liên quan đến đề xuất này, ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh Quốc gia cho biết việc thành lập Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu ngành da giày phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành và luật cạnh tranh. Khi có trung tâm này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thúc đẩy nội lực, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ông Lê Triệu Dũng thông tin thêm thời gian qua, ngành da giày đã có nhiều hoạt động mở rộng về quy mô và phát triển, song chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Do đó, nếu không có những biện pháp hỗ trợ thì doanh nghiệp Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà.

“5 vụ việc mà Ủy ban cạnh tranh Quốc gia xử lý trong thời gian vừa qua đều là từ các doanh nghiệp nước ngoài. Họ mở rộng, mua các doanh nghiệp Việt Nam. Nhu cầu thực tiễn để hỗ trợ, gia tăng giá trị gia tăng cho Việt Nam là rất lớn. Việc có trung tâm sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi,” ông Dũng lưu ý.

Thông tin thêm về việc này, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay mới đây Mỹ đã ban hành chính sách cho phép áp dụng điều tra trợ cấp xuyên quốc gia. Chính sách này nhằm vào những ngành gia công và nhiều nguyên phụ liệu đầu vào.

Theo đó, nếu Việt Nam mua nguyên phụ liệu từ nước thứ 3 và nước này trợ cấp sản xuất nguyên phụ liệu này thì khi Việt Nam mua sử dụng sản phẩm này để sản xuất và xuất khẩu sẽ bị đánh thuế. Không chỉ Mỹ, mà cả EU cũng đang nghiên cứu triển khai chính sách này. Do đó, việc có một trung tâm giao dịch nguyên liệu là cần thiết để doanh nghiệp đa dạng nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, tránh bị phụ thuộc vào một thị trường.

IMG_5034.JPG
Việc có trung tâm sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại buổi làm việc, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng đánh giá cao đề xuất của hiệp hội. Trên cơ sở Nghị quyết 115/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã cho xây 5 trung tâm, trong đó có 3 trung tâm của ngành cơ khí và 2 trung tâm của ngành dệt may, da giày. Hiện nay, Bộ Công Thương đã khởi công xây dựng 2 trung tâm cơ khí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

“Đối với Trung tâm dệt may, da giày hiện đã hội đủ điều kiện cần và đủ để xây dựng và Cục Công nghiệp hoàn toàn ủng hộ. Bản thân Nghị quyết 115 đã giao những ưu đãi đề án và chính sách hỗ trợ. Do đó, việc phát triển trung tâm theo hình thức nào, cần hỗ trợ những gì, Hiệp hội và các doanh nghiệp cần làm rõ,” đại diện Cục Công nghiệp lưu ý.

Chuyển đổi để tận dụng hiệu quả các FTA

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh mặc dù đến nay đã có Chiến lược phát triển ngành, có đề án tái cơ cấu ngành Công Thương và các Nghị quyết Chính phủ, nhưng thực tế việc triển khai chưa được như kỳ vọng. Qua trao đổi, ngành da giày vẫn còn một số tồn tại cần tháo gỡ.

Cụ thể là việc nghiên cứu sáng tạo và trung tâm nguyên phụ liệu của ngành chưa cao, trong khi da giày là ngành giải quyết việc làm cho 1,5-1,6 triệu lao động, là ngành đáng để có cơ chế chính sách phát triển. Mặc dù Nghị quyết đề cập nhiều, nhưng chính sách thì chưa có. Trong khi đó còn rất nhiều quy định gây cản trở làm tăng chi phí, giảm sự cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nguyên liệu ngành được xác định là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, song chưa phát triển được, nên các doanh nghiệp phải chấp nhận gia công. Bên cạnh đó là năng lực khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: CPTPP, EVFTA, RCEP… còn hạn chế. Ngoài ra, mức độ tự động hóa, chuyển đổi số, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn chưa cao.

Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm, năng suất lao động chưa cao nên gây ra chi phí nhân công đang có xu hướng tăng nhanh; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, cạnh tranh lao động diễn ra gay gắt; phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, khả năng tài chính hạn chế,… chưa có chính sách đủ mạnh.

Bộ trưởng cho biết thời gian qua, Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương đã nỗ lực đàm phán, ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh; trong đó ngành da giày là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực được Chính phủ đặc biệt quan tâm và luôn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó da giày là 1 trong 6 ngành được đưa hưởng các chính sách hỗ trợ ưu tiên doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Bên cạnh đó, năm 2022, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035. Bộ Công Thương cũng đang triển khai xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may-da giày và trình Thủ tướng phê duyệt trong thời gian tới nhằm định hướng phát triển ngành bền vững và lâu dài.

167A6503.JPG
Dệt may đáp ứng các tiêu chí Xanh để thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tuy vậy, để ngành Da giày-Túi xách tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực hơn đối với sự phát triển của ngành Công Thương cũng như toàn bộ nền kinh tế đất nước, Bộ trưởng đề nghị hiệp hội tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, điều chỉnh chiến lược, chuyển đổi sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu, xu hướng, chiến lược và quy định mới của các thị trường, nhất là xu hướng chuyển đổi sản xuất, xuất khẩu xanh, bền vững, tận dụng có hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.

Người đứng đầu Bộ Công Thương lưu ý hiệp hội cần theo dõi sát Chiến lược da giầy mới và xu hướng phát triển da giày tuần hoàn của EU; nghiên cứu kinh nghiệm điều chỉnh chính sách của các nước có thế mạnh, tiềm lực về da giày (như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh), từ đó có đề xuất với các cơ quan chức năng về giải pháp phù hợp, bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, cũng như lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp.

Song song đó, hiệp hội cần hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, da giày ứng phó có hiệu quả với các rào cản kỹ thuật của các thị trường mới và các biện pháp phòng vệ thương mại; phối hợp đấu tranh trên mọi cấp độ, mọi diễn đàn đối với các biện pháp bảo hộ thương mại quá mức, không phù hợp với cam kết quốc tế của các thị trường nhập khẩu, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp hội viên.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhất trí với kiến nghị của hiệp hội về việc thành lập trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương. Ông giao Cục Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc bộ phối hợp với hiệp hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng đề án này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục